Cà Mau phát triển nuôi tôm bền vững trên rừng ngập mặn

Hội thảo Tổng kết giai đoạn 1 (2013 - 2015) Dự án “Bảo tồn rừng ngập mặn dựa vào nuôi tôm bền vững và giảm phát thải” (MAM) diễn ra ngày 22/2/2016 tại TP.HCM.
Hội thảo Tổng kết Dự án Bảo tồn rừng ngập mặn dựa vào nuôi tôm bền vững và giảm phát thải. Ảnh: Lê Tiên
Hội thảo Tổng kết Dự án Bảo tồn rừng ngập mặn dựa vào nuôi tôm bền vững và giảm phát thải. Ảnh: Lê Tiên

Đây là một sáng kiến khu vực giúp khôi phục rừng ngập mặn và xúc tiến chứng chỉ tôm sinh thái tại tỉnh ven biển Cà Mau, Việt Nam và tỉnh Chanthaburi, Thái Lan. Dự án được hỗ trợ bởi Sáng kiến Khí hậu quốc tế do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên Bang Đức (BMUB) tài trợ, do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thực hiện.

Trong vài thập kỷ vừa qua, hơn một nửa diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam đã bị chặt phá để làm ao nuôi tôm. Cà Mau là tỉnh chiếm nửa diện tích rừng ngập mặn tại Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái của khu vực. Tuy nhiên, ngành nuôi tôm đang gây ra những tổn hại nghiêm trọng đối với rừng ngập mặn Cà Mau và môi trường nói chung. Vì vậy MAM đã lựa chọn Cà Mau là địa phương triển khai dự án.

Trong 3 năm qua, MAM đã tập huấn gần 2.000 hộ về hệ sinh thái, chứng chỉ tôm sinh thái quốc tế và các kỹ thuật nuôi tôm sinh thái. Hơn 200 hộ dân đã được chi trả tổng cộng gần 300 triệu đồng cho dịch vụ hệ sinh thái rừng. Hơn 500 hộ nuôi tôm sinh thái có chứng chỉ đã được Công ty Minh Phú chi trả gần 600 triệu đồng. Gần 800 hộ nuôi tôm đã được cấp chứng chỉ Naturland và được thưởng cho công tác khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn. 1.500 hộ hiện đang trong quá trình xin cấp chứng chỉ.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Dự án trình bày kết quả sau 3 năm triển khai MAM tại Cà Mau

Đến nay, 80 ha rừng ngập từng bị phá hủy để nuôi tôm trong các thập kỷ trước đã được trồng lại. Thực tế này cho thấy rằng, các chính sách khuyến khích kinh tế phù hợp có thể biến hoạt động nuôi trồng tôm từ động cơ phá rừng và gây suy thoái rừng thành động lực khôi phục và bảo vệ rừng.  

Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Cà Mau, địa phương này dự kiến nâng diện tích tôm sinh thái có chứng chỉ lên 20.000 ha vào năm 2020 nhằm nâng cao diện tích rừng ngập mặn được bảo vệ tại khu vực.

Trong giai đoạn tiếp theo của Dự án, dự kiến sẽ nhân rộng mô hình tôm rừng ngập mặn tại các vùng ven biển khác, tăng cường sản xuất tôm sinh thái có chứng chỉ và đẩy mạnh bảo vệ rừng trên toàn khu vực sông Mê-kông. Ngoài ra, Dự án cũng đang tìm khả năng tiếp cận tài chính các-bon, hỗ trợ xây dựng chính sách Chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng (Payments for forest environmental services - PFES) trong phạm vi ngành thủy sản Việt Nam.

Chuyên đề