BOT, BT: Từ bức xúc đến yêu cầu minh bạch

(BĐT) - Sau khi tập trung “mổ xẻ” những tồn tại, bức xúc trong thực tiễn triển khai các dự án BOT, BT thời gian qua, các chuyên gia, nhà đầu tư và nhà quản lý đã đi đến nhận định rằng, để mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được áp dụng một cách hiệu quả và chuyên nghiệp hơn trong thời gian tới thì phải thay đổi cách làm theo hướng chặt chẽ và minh bạch hơn.
Các chuyên gia khuyến nghị phải thay đổi cách làm hiện nay để tăng tính minh bạch trong việc thu phí và giám sát nguồn thu tại các trạm thu phí BOT. Ảnh: Tất Tiên
Các chuyên gia khuyến nghị phải thay đổi cách làm hiện nay để tăng tính minh bạch trong việc thu phí và giám sát nguồn thu tại các trạm thu phí BOT. Ảnh: Tất Tiên

Bộc lộ nhiều bất cập

Phát biểu tại Hội nghị Đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quản lý diễn ra sáng ngày 7/6 tại Hà Nội, ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ GTVT đã thẳng thắn thừa nhận: Thực tiễn thu hút đầu tư BOT, BT 5 năm qua bên cạnh những mặt được thì vẫn bộc lộ không ít bất cập như: hành lang pháp lý chưa đồng bộ; chính sách thu phí chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội; các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngân hàng trong nước; chất lượng bảo trì công trình chưa đạt yêu cầu…

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư theo các hình thức BOT, BT thời gian qua còn nhiều bất cập, bất cập ở nhiều khâu, trong đó nổi cộm là khâu quy hoạch. “Việc thực hiện các dự án BOT thời gian qua mới nhìn trước mắt chứ chưa có quy hoạch vùng. Các dự án BOT, BT chưa đặt trong quy hoạch tổng thể các lĩnh vực như quy hoạch đường bộ, quy hoạch đường sắt và quy hoạch đường hàng không. Hiện Nhà nước vẫn chưa tổng kết được những kinh nghiệm tốt nhất trong triển khai PPP để áp dụng. Các yếu tố đầu vào của PPP như vốn, công nghệ chưa được quản lý chặt chẽ và chưa được quan tâm đúng mức”.

Theo ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần TASCO, đầu tư BOT nên là đầu tư mới để trong việc thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT, người dân có sự lựa chọn khi sử dụng dịch vụ BOT thì họ sẽ không thắc mắc. Ông Dũng cho rằng: “Là người dân, tôi cũng bức xúc vì BOT, vì ngã đường nào dính vào cũng là BOT”.

Nhìn nhận những tồn tại của thực tiễn thu hút đầu tư theo các hình thức hợp đồng BOT, BT thời gian qua, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đều có chung quan điểm rằng, cho đến thời điểm hiện tại, PPP (BOT, BT là các dạng hợp đồng cụ thể) là hình thức đầu tư khá mới ở nước ta, trong khi chất lượng nguồn nhân lực của các chủ thể tham gia dự án còn hạn chế, lúng túng. Đó là nguyên nhân để xảy ra những bất cập, hạn chế trong thực tế thu hút và triển khai các dự án BOT, BT.

Thay đổi cách làm

Để tránh thất thoát tại các trạm thu phí và minh bạch các khoản thu phí, nhiều đại biểu đề xuất cần phải nhanh chóng triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng ở tất cả các trạm thu phí, trong đó có hệ thống camera giám sát truyền dữ liệu trực tuyến qua Internet.
Thời gian qua, các dự án BOT, BT chủ yếu áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư. Tuy nhiên, để tạo ra sự minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, mang lại hiệu quả đầu tư và tránh rủi ro khi lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực thì cần phải thực hiện đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư. Tại Hội nghị, đại diện Công ty Cổ Phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cho rằng, nên đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư từ bước lập dự án đầu tư.

Về việc mất cân đối trong thu hút đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho biết, trong 5 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng các công trình giao thông vận tải theo hình thức BOT và BT của Chính phủ, phần lớn các dự án đều tập trung vào công trình giao thông đường bộ, các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ và một số tuyến cao tốc. Ông Thiên đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta tập trung quá nhiều vào xây dựng đường cao tốc? Phải chăng đường cao tốc có lợi ích gì hơn so với các lĩnh vực khác, có phải chúng ta đang thiếu chiến lược đồng bộ?”. Theo ông Trần Đình Thiên, nhà đầu tư có lý do của họ khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực nào. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý nhà nước thì cần phải tính toán phân bổ nguồn vốn cho sự phát triển đồng bộ, thay vì chỉ chú trọng vào phát triển đường cao tốc, đường bộ. Và trong 5 năm tới, chúng ta cần phải bàn lại chuyện phân bổ, cân đối nguồn lực cho các lĩnh vực.

Đối với việc thu phí và giám sát nguồn thu tại các trạm thu phí – vấn đề “nóng” hiện nay được dư luận rất quan tâm, các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý cũng đưa ra những khuyến nghị về thay đổi cách làm hiện nay. Ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay việc thu phí và mức phí được thu qua các trạm BOT thực hiện theo các thông tư của Bộ Tài chính. Mỗi trạm thu phí ban hành một Thông tư, 3 năm lại thay đổi một lần theo mức phí được quy định tại Thông tư 159/2014/TT-BTC. Theo ông Sơn, để cải cách thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch, công khai trong áp dụng mức phí, nên nghiên cứu áp dụng mức thu phí trên đầu phương tiện tiêu chuẩn trên 1 km như đường cao tốc (các tuyến đường trên Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 về quy mô và tiêu chuẩn cơ bản giống nhau nên có thể áp dụng mức phí trên 1 km như nhau). Nhà nước công bố mức phí trên đầu phương tiện trên 1 km, nhà đầu tư căn cứ chiều dài quãng đường của dự án đã đầu tư và mức phí để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ thu phí. Và khi điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, cần thiết phải điều chỉnh thì Nhà nước sẽ tính toán và công bố mức phí mới để nhà đầu tư thực hiện.

Để tránh thất thoát tại các trạm thu phí và minh bạch các khoản thu phí, nhiều đại biểu đề xuất cần phải nhanh chóng triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng ở tất cả các trạm thu phí, trong đó có hệ thống camera giám sát truyền dữ liệu trực tuyến qua Internet.

Chuyên đề