Bỏ “xin - cho” trong quản lý dự án PPP

(BĐT) - Đối với dự án PPP, nhà đầu tư bỏ tiền và vay nợ để đầu tư đương nhiên “của đau con xót”, ngược lại với tâm lý sử dụng vốn đầu tư công. Do đó, sự quản lý, hậu kiểm đối với dự án PPP nên khác dự án sử dụng vốn đầu tư công thuần túy, để vừa phát huy hiệu quả đầu tư, sáng tạo của tư nhân, vừa đảm bảo chất lượng dịch vụ, công trình.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

“Đối với dự án PPP cần xác định Nhà nước nắm gì, không nắm gì. Có thời kỳ nhà đầu tư sửa ổ gà cũng phải xin ý kiến”, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) lấy dẫn chứng cho việc dự án PPP đang bị quản lý bằng “xin – cho”, khiến nhà đầu tư bị quản không khác nhà thầu.

Có việc này, theo nhiều nhà đầu tư, chuyên gia, là do Nhà nước đang quản lý dự án PPP như dự án đầu tư công thuần túy. “Người quản lý thì lúc nào cũng thích được quản”, ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nói. Tâm lý này xuất phát từ việc Nhà nước đang áp đặt cách thức quản lý dự án PPP như đối với dự án sử dụng vốn nhà nước hoàn toàn, gây cản trở rất lớn cho nhà đầu tư PPP, trong khi nguồn vốn đầu tư các dự án PPP phần lớn của nhà đầu tư. Theo ông Chủng, Nhà nước cần xây dựng tiêu chuẩn cuối cùng của dịch vụ và quản lý theo đầu ra đã nêu tại hợp đồng. Cơ chế hậu kiểm không phải là để quản nhà đầu tư, mà để đánh giá về chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà nhà đầu tư cung cấp có đáp ứng theo hợp đồng hay không.

Ngoài việc bị quản lý như nhà thầu, nhiều nhà đầu tư cũng phàn nàn rằng họ mệt mỏi vì phải tiếp quá nhiều đoàn thanh, kiểm tra từ rất nhiều đơn vị. Ông Nguyễn Viết Tân, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco cho biết hiện tại một dự án PPP, đặc biệt dự án Trung ương quản lý, phải chịu rất nhiều sự thanh, kiểm tra từ Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường nếu liên quan đến đối ứng về đất, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải nếu liên quan đến BOT, Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra của cơ quan thuế, Thanh tra liên ngành, rồi Kiểm toán Nhà nước… Đáng nói hơn, nhiều nội dung các đoàn thanh tra lặp lại như nhau.

Cũng chia sẻ phải tiếp quá nhiều đoàn thanh, kiểm tra từ quá trình xây dựng, vận hành, ông Phan Xuân Dương, Phó Giám đốc Công ty CP Năng lượng Vĩnh Tân 3 cho rằng nhà đầu tư không ngại thanh, kiểm tra nhưng cần có đầu mối. “Trong Hợp đồng BOT của chúng tôi có điều khoản Bộ Công Thương được đến giám sát bất cứ lúc nào. Bộ Công Thương ký hợp đồng với chúng tôi, đơn vị khác muốn kiểm tra, thanh tra thì cần đi qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng với nhà đầu tư”, ông Phan Xuân Dương nêu quan điểm.

Từng là người quản lý tại một cơ quan nhà nước, ông Trần Chủng chỉ ra có thực tiễn nhiều cơ quan thanh, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ tại cùng một dự án của một bộ, ngành, địa phương với cùng một nội dung, khiến việc thanh, kiểm tra chồng chéo, chưa hiệu quả. “Đồng ý là cần hậu kiểm để kiểm soát chất lượng, nhưng các cơ quan nhà nước phải có nghĩa vụ tiếp thu kết quả kiểm tra mà đơn vị nhà nước khác đã làm trước”.

Ông Trần Chủng kỳ vọng việc xây dựng Luật PPP sẽ thay đổi quy định về quản lý, hậu kiểm đối với dự án PPP, đảm bảo không phá vỡ sự bình đẳng trong quan hệ hợp đồng PPP giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), một nội dung còn thiếu hụt trong chính sách về PPP hiện hành là quy định cụ thể về trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan hậu kiểm. Căn cứ tính chất khác biệt của dự án PPP và nhằm đảm bảo tính rõ ràng trong Luật PPP, tại văn bản gửi xin ý kiến một số đơn vị liên quan về các nội dung định hướng xây dựng Luật, Bộ KH&ĐT đã lấy ý kiến về phạm vi thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Theo đó, việc hậu kiểm tiến hành theo hướng định kỳ thực hiện việc xác định sự tuân thủ hợp đồng của các bên về các nội dung doanh thu, quá trình cung cấp dịch vụ... Tuy nhiên, phải tham gia ý kiến bắt buộc tại các giai đoạn chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo việc lập dự án tuân thủ quy định hiện hành và tính chính xác, hợp lý của các giá trị trong hợp đồng.

Đi đôi với đó, trong định hướng xây dựng Luật PPP, Bộ KH&ĐT dự kiến nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về hành vi bị cấm, chế tài xử phạt đối với các bên khi vi phạm; nghiên cứu quy định về công khai thông tin dự án PPP trong suốt vòng đời dự án, bao gồm cả thông tin về tiến độ thực hiện. 

Chuyên đề