Bộ Xây dựng: Hai trường hợp nên áp dụng hợp đồng EPC

(BĐT) - Bộ Xây dựng mới đây có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hình thức hợp đồng thiết kế - cung cấp vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình (hợp đồng EPC). Theo đó, Bộ đã chỉ ra các trường hợp nên và không nên áp dụng hình thức hợp đồng này.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo Bộ Xây dựng, hình thức hợp đồng EPC được triển khai chủ yếu theo 2 mô hình.

Thứ nhất, triển khai thực hiện EPC dựa trên cơ sở thiết kế được phê duyệt. Hình thức này thường được áp dụng đối với các dự án đã được thực hiện phổ biến trên thị trường. Trên cơ sở mục tiêu đầu tư, nội dung dự án và thiết kế cơ sở được duyệt, chủ đầu tư/bên mời thầu (CĐT/BMT) tiến hành các hoạt động lựa chọn nhà thầu, đàm phán ký kết hợp đồng EPC. Tại bước này, CĐT/BMT sẽ tiến hành xác định các yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT). Đây là một khâu quan trọng nhằm cụ thể hóa yêu cầu của dự án vào HSMT nhằm lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu theo mong muốn của CĐT.

Sau khi hợp đồng EPC được ký kết, nhà thầu tiến hành triển khai các công việc: thiết kế chi tiết; mua sắm vật tư, thiết bị và thi công xây dựng công trình. Các công việc này hoàn toàn do tổng thầu hoặc nhà thầu phụ thực hiện theo phương thức gối đầu kết hợp với tuần tự, trong đó phương thức gối đầu là chủ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.

Thứ hai là hình thức triển khai thực hiện dựa trên thiết kế FEED  (Front - End Engineering Design) được phê duyệt. Đây là thiết kế kỹ thuật tổng thể được triển khai theo thông lệ quốc tế để làm cơ sở triển khai thiết kế chi tiết. Hình thức này thường được áp dụng đối với những dự án có quy mô đầu tư lớn, kỹ thuật phức tạp, có nhiều yếu tố liên quan đến bản quyền công nghệ và chưa được thực hiện phổ biến trên thị trường như các nhà máy lọc, hóa dầu. Theo hình thức này, các bước thực hiện như dự án thông thường.

Cụ thể, trước hết là nghiên cứu, lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư hay còn gọi là lập DFS (Detailed Feasibility Study). Ở bước này, nội dung thiết kế trong DFS chỉ là thiết kế sơ bộ, chưa đủ thông tin cần thiết để lựa chọn nhà thầu EPC.

Tiếp đó là lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế FEED. Trên nền tảng của DFS được phê duyệt, CĐT thuê tư vấn hoặc thuê chính nhà thầu lập thiết kế FEED để cụ thể hóa DFS đã dược duyệt. Sau khi thiết kế FEED được thẩm định và phê duyệt, CĐT/BMT sẽ tiến hành lập HSMT để lựa chọn nhà thầu EPC. Đàm phán và chốt lại hợp đồng EPC cuối cùng với nhà thầu trúng thầu.

Cuối cùng là phân tích và đánh giá lại hiệu quả đầu tư và đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng (FID – Final Investment Decision). Dựa trên kết quả đàm phán hợp đồng EPC cuối cùng với nhà thầu EPC, CĐT sẽ tính toán lại hiệu quả đầu tư của dự án và đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng. Sau khi hợp đồng EPC được ký kết, nhà thầu sẽ tiến hành các hoạt động thiết kế chi tiết, mua sắm vật tư, thiết bị và thi công xây dựng công trình.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, theo khuyến cáo của Hiệp hội quốc tế các kỹ sư tư vấn, hình thức hợp đồng EPC không phù hợp áp dụng trong các trường hợp như: không có đủ thời gian và thông tin để nhà thầu xem xét, kiểm tra các yêu cầu của CĐT hoặc để họ thực hiện thiết kế, đánh giá rủi ro và ước tính chi phí; các dự án/công trình chủ yếu là phần ngầm dưới lòng đất; các dự án mà các nhà thầu không thể kiểm tra, đánh giá rủi ro và ước tính chi phí…     

Chuyên đề