Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tăng phí 37 dự án BOT

Trong số 37 dự án BOT đề xuất tăng phí, có 25 dự án doanh thu thực tế giảm so với phương án tài chính trong hợp đồng.
Hầm Đèo Cả trên Quốc lộ 1A, giúp rút ngắn thời gian từ Khánh Hòa qua Phú Yên và hướng ngược lại.
Hầm Đèo Cả trên Quốc lộ 1A, giúp rút ngắn thời gian từ Khánh Hòa qua Phú Yên và hướng ngược lại.

Đầu tháng 6, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương trước tình trạng sụt giảm doanh thu của hàng chục dự án BOT, đề xuất tăng phí ở 37 dự án trên cả nước.

Theo thông tư của Bộ Tài chính về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đường bộ, lộ trình tăng phí của các dự án BOT là 3 năm một lần. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 5/2016 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải chưa thực hiện tăng phí với 59 dự án BOT trên cả nước.

Trong đó, 37 dự án đã tới hạn tăng phí 12-18% theo lộ trình (gồm 2 dự án tới hạn trong năm 2018, 35 dự án năm 2019); năm 2020 sẽ tăng phí 10 dự án, năm 2021 tăng phí 2 dự án, các dự án còn lại sẽ tăng phí sau năm 2021.

Ngoài ra, trong hợp đồng BOT được ký giữa Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư, đều có điều khoản cho điều chỉnh thời gian thu phí, hoàn vốn khi doanh thu thực tế tăng hoặc giảm hai năm liên tiếp từ 2-5% so với tính toán trong hợp đồng.

Trong số 37 dự án BOT đề xuất tăng phí, có 25 dự án doanh thu thực tế giảm so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời với 25 dự án này thì phương án tài chính bị phá vỡ, doanh nghiệp dự án phá sản, các khoản vay nghìn tỉ đồng từ ngân hàng để đầu tư công trình BOT trở thành nợ xấu.

Ví dụ, doanh thu một số trạm BOT sụt giảm do lưu lượng xe thấp hơn thực tế như trạm BOT hầm Đèo Cả, Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 38, tuyến tránh TP Phủ Lý, quốc lộ 5, quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Nam...

Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Chính phủ hai phương án. Phương án một là tăng phí BOT đúng lộ trình trong giai đoạn 2019-2021. Để tránh sốc khi tăng phí đồng loạt hàng chục dự án BOT, Bộ sẽ đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng, trong năm 2019 chỉ tăng phí với các dự án có sụt giảm doanh thu lớn bởi các dự án này đã chạm "điểm tới hạn", nếu không tăng phí sẽ phá vỡ phương án tài chính.

Phương án 2, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 49 dự án có lộ trình tăng phí trong giai đoạn 2018-2021 phải lùi thời điểm tăng phí sang năm 2022. Với phương án này, bộ cho biết sẽ có 9 dự án BOT bị phá vỡ phương án tài chính, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, Nhà nước phải bố trí khoảng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ 9 dự án nhằm tránh bị đổ bể.

Bộ Giao thông Vận tải nghiêng về phương án một, vì có nhiều ưu điểm, không phải bố trí ngân sách Nhà nước cứu các dự án BOT.

Đến tháng 5/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết toán toàn bộ hoặc một phần 59 dự án BOT đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác, 2 dự án còn lại đang thi công.

Hiện nay, 26 trong 53 dự án BOT đường bộ đang thu phí hoàn vốn không đảm bảo doanh thu theo phương án tài chính. Các dự án BOT bị hụt thu có dấu hiệu lan rộng là vấn đề đáng quan ngại trong hoạt động thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Chuyên đề