Bảo vệ DN nhỏ và vừa trong tập trung kinh tế

(BĐT) - “Những quy định cứng nhắc về tập trung kinh tế trong Luật Cạnh tranh 2004 sẽ được thay đổi theo hướng cởi mở, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) dễ tiếp cận hơn và được xây dựng thành một chương riêng để góp phần tăng sức cạnh tranh cho mọi thành phần kinh tế”. 
Hoạt động M&A diễn ra ngày càng sôi động trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Huyền Anh
Hoạt động M&A diễn ra ngày càng sôi động trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Huyền Anh

Đó là khẳng định của Bộ Công Thương khi giới thiệu nội dung quy định kiểm soát tập trung kinh tế (TTKT) trong Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) tại TP.HCM.

Tập trung kinh tế là xu hướng tất yếu

Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương cho biết, TTKT là một xu hướng phát triển tất yếu trong nền kinh tế thị trường và luôn cần có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, hành lang pháp lý đồng bộ để kiểm soát một cách hữu hiệu nhất. Theo Luật Cạnh tranh năm 2004, TTKT là hành vi của DN bao gồm: sáp nhập DN; hợp nhất DN; mua lại DN; liên doanh giữa các DN; các hành vi tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam ngày một gia tăng mạnh mẽ. Giai đoạn 2009 - 2011, có khoảng 750 thương vụ M&A tại Việt Nam với tổng giá trị giao dịch ước đạt 6,89 tỷ USD. Giai đoạn 2012 - 2014, tổng giá trị các thương vụ M&A đạt khoảng 11,13 tỷ USD. Tổng giá trị những thương vụ M&A liên quan đến các DN Việt đã tăng 40% trong năm 2015, đạt 4,3 tỷ USD. Hoạt động M&A diễn ra sôi động trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có bán lẻ, hàng tiêu dùng, bất động sản…

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong xu thế M&A ngày càng sôi động, hấp dẫn đối với cả DN trong và ngoài nước, quy định về TTKT hiện hành không còn phù hợp. “Nhiều nội dung TTKT phải sửa đổi, thay đổi cách tiếp cận để có thể điều chỉnh kịp thời”, ông Nguyễn Hữu Huyên, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Tư pháp cho biết.

 Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh năm 2004 chưa đề cập đến việc kiểm soát đối với TTKT theo chiều dọc, TTKT hỗn hợp. Luật cũng chưa đề cập đến việc kiểm soát hình thức liên kết thông qua đội ngũ lãnh đạo, quản lý chung. Những dạng TTKT này có khả năng xảy ra trong tương lai và có thể gây ra hạn chế cạnh tranh ở mức độ nhất định hoặc làm gia tăng nguy cơ thỏa thuận giữa các DN sau khi tiến hành TTKT. 

Bảo vệ doanh nghiệp nhỏ

Nhiều ý kiến của DN tại TP.HCM băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật khi nói đến TTKT tức là nhắm đến sự hình thành của các tập đoàn, hiện tượng M&A. “96% số DN hiện nay của chúng ta là DN nhỏ và vừa (DNNVV), tỷ lệ đa số này sẽ bị điều chỉnh bởi quy định nào khi xây dựng nội dung TTKT?” các DN đặt câu hỏi.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh thẳng thắn cho biết, bên cạnh Luật Hỗ trợ DNNVV đang được hoàn thiện để thông qua, chúng ta cần có nhiều công cụ để bảo vệ đối tượng DN này trước các DN lớn. “Xây dựng nội dung TTKT thành một chương riêng, góc tiếp cận cởi mở, hướng đến một môi trường cạnh tranh lành mạnh để bảo vệ DNNVV. Chúng ta kiểm soát, ngăn ngừa những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN, trong đó đặc biệt coi trọng DNNVV”, ông Tuấn nhấn mạnh. 

Còn theo chuyên gia Lê Viết Thái, đối với xu hướng thành lập các tập đoàn mạnh trong nước, cần xem xét kỹ lưỡng hai vấn đề: Cần phải có tập đoàn ở những lĩnh vực nào? Và có nhất thiết một tổng công ty nhà nước phải là nòng cốt ở mỗi tập đoàn hay không? Xem xét thấu đáo hai vấn đề này sẽ giúp chúng ta ngăn ngừa được nguy cơ hình thành các tập đoàn thông qua mệnh lệnh hành chính ở một số lĩnh vực không cần thiết, bóp méo cơ chế cạnh tranh, gây tổn hại cho nền kinh tế. Do đó, cách tiếp cận hiện đại khi xây dựng chính sách về TTKT sẽ giúp chúng ta phát huy đúng vai trò của Nhà nước trong phát triển các tập đoàn, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân.

Chuyên đề