Băn khoăn vốn đề xuất đầu tư Khu phức hợp Điện Dương (Quảng Nam)

(BĐT) - Công ty CP Tập đoàn T&T (Nhà đầu tư) đang đề xuất xây dựng Dự án Khu phức hợp đô thị, dịch vụ thương mại và du lịch Điện Dương (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) với tổng mức đầu tư dự kiến 31.931,477 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng là 358,4 ha. 
Một góc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nguồn: Internet)
Một góc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nguồn: Internet)

Theo Hồ sơ đề xuất Dự án, Bộ Tài chính cho rằng, Nhà đầu tư chưa đủ điều kiện về vốn thuộc sở hữu tham gia vào Dự án; mặt khác, vốn vay ngân hàng và vốn huy động từ doanh thu hoạt động kinh doanh cũng chưa có phương án cụ thể để bảo đảm tính khả thi.

Chưa bảo đảm đủ vốn góp

Theo quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, vốn thuộc sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên. Theo tính toán của Bộ Tài chính, vốn thuộc sở hữu của Nhà đầu tư để thực hiện Dự án phải bảo đảm không thấp hơn 4.788,225 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Hồ sơ đề xuất của Nhà đầu tư cho thấy, Công ty CP Tập đoàn T&T dự kiến vốn góp để thực hiện Dự án là 4.476,3 tỷ đồng (trong vòng 20 ngày kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư). Bộ Tài chính cho rằng, số vốn Nhà đầu tư đề xuất góp chưa bảo đảm đủ theo quy định. Để đủ điều kiện về vốn thuộc sở hữu của mình tham gia vào Dự án, Nhà đầu tư cần bổ sung thêm 311,93 tỷ đồng, từ đó tính toán lại hiệu quả tài chính Dự án làm cơ sở xem xét tính khả thi về mặt tài chính của Dự án.

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho năm tài chính 2017 kết thúc ngày 31/12/2017, tại thời điểm ngày 1/1/2017, tổng nguồn vốn của Nhà đầu tư là 19.818,502 tỷ đồng, gồm vốn chủ sở hữu là 5.183,025 tỷ đồng, nợ phải trả là 14.635,477 tỷ đồng (gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu), trong đó nợ ngắn hạn chiếm 48% nợ phải trả.

Tại thời điểm ngày 31/12/2017, tổng nguồn vốn của Nhà đầu tư là 25.797,555 tỷ đồng, gồm vốn chủ sở hữu là 5.254,145 tỷ đồng, nợ phải trả là 20.543,410 tỷ đồng (gấp 3,9 lần vốn chủ sở hữu), trong đó nợ ngắn hạn chiếm 70% nợ phải trả.

Bộ Tài chính cho rằng, khoản phải thu ngắn hạn có xu hướng tăng so với tổng tài sản; trong khi, khoản phải trả ngắn hạn khác cũng có xu hướng tăng so với tổng nguồn vốn. Do đó, tính thanh khoản của Nhà đầu tư là không cao.

Ngoài ra, trong tổng số 5.254,145 tỷ đồng vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư tại thời điểm 31/12/2017, ngoài việc dự kiến sử dụng cho Dự án như đã nêu tại phương án đầu tư, Nhà đầu tư còn sử dụng một phần lớn cho hoạt động đầu tư tài chính dài hạn (3.932,420 tỷ đồng). Nguồn vốn hoạt động của Nhà đầu tư phụ thuộc rất lớn vào vốn huy động và vốn vay, khoản phải thu ngắn hạn cùng với nợ ngắn hạn đều rất lớn có thể ảnh hưởng đến dòng tiền để thực hiện Dự án. Phương án huy động vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư còn thiếu cụ thể.

Bộ Tài chính đánh giá, chưa đủ cơ sở để xác định Nhà đầu tư có khả năng đáp ứng được điều kiện quy định về vốn thuộc sở hữu để đầu tư vào Dự án. 

Vốn vay chiếm 85%

Trong bản đề xuất Dự án, Nhà đầu tư đề xuất vốn vay thương mại và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để thực hiện Dự án chiếm 85% tổng vốn đầu tư (tương đương khoảng 27.132,85 tỷ đồng).

Cụ thể, vốn vay tín dụng ngân hàng được Nhà đầu tư đề xuất là 14.319 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thành An cũng đã có văn bản cho biết, Ngân hàng xác nhận cam kết cấp cho Nhà đầu tư các khoản tín dụng với tổng trị giá tối đa 11.188 tỷ đồng để thực hiện đầu tư Dự án nếu bảo đảm các điều kiện mà Ngân hàng đưa ra.

Hiện Dự án đang ở giai đoạn đề xuất chủ trương nên việc tài trợ vốn từ Ngân hàng mới dừng ở mức cam kết cho vay. Số vốn Ngân hàng cam kết chỉ là 11.188 tỷ đồng, và Nhà đầu tư cần phải huy động thêm 3.131 tỷ đồng để thực hiện Dự án.

Đối với vốn huy động cho Dự án từ doanh thu hoạt động kinh doanh (dự kiến là 11.046,468 tỷ đồng), hồ sơ đề xuất của Nhà đầu tư chưa có tài liệu về kế hoạch/phương án sản xuất kinh doanh đối với các hoạt động đang thực hiện cũng như hoạt động khác ngoài Dự án của Nhà đầu tư cho các năm tiếp theo. Tính toán tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế của Dự án cho thấy, dự kiến tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh là 123.939,899 tỷ đồng. Song, Bộ Tài chính cho biết, hồ sơ đề xuất của Nhà đầu tư chưa có nội dung khảo sát hạ tầng xung quanh Dự án, so sánh lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút khách hàng vào Dự án.

Như vậy, ngoài vốn vay tín dụng ngân hàng cùng với đề xuất sử dụng doanh thu từ hoạt động kinh doanh, Nhà đầu tư vẫn còn phải huy động thêm 1.767,382 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2017 là 20.543 tỷ đồng, gấp 3,9 lần vốn chủ sở hữu, việc huy động 27.132,85 tỷ đồng để thực hiện Dự án sẽ là bài toán khó đối với Nhà đầu tư. 

Chuyên đề