Bắc Vân Phong, thắp sáng “ngọn hải đăng” quốc tế

(BĐT) - Do đang trong giai đoạn xây dựng Đề án Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cũng chưa có quy hoạch, nên thời gian qua tỉnh Khánh Hòa chưa khuyến khích đầu tư vào khu vực Bắc Vân Phong, đồng thời tạm dừng thu hút đầu tư mới để chờ cơ chế, chính sách. Vì lẽ đó, khu vực này còn dư địa lớn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, có sự đầu tư bài bản.
Bắc Vân Phong là khu vực ít chịu ảnh hưởng của bão, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải biển quốc tế. Ảnh: Hoài Nam
Bắc Vân Phong là khu vực ít chịu ảnh hưởng của bão, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải biển quốc tế. Ảnh: Hoài Nam

Giữ nguyên để chờ “đặc khu”

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Vân Phong, năm 2016, tình hình đầu tư vào KKT Vân Phong đã có những dấu hiệu khả quan hơn các năm trước với việc thu hút được 15 dự án mới (14 dự án trong nước và 1 dự án nước ngoài) với tổng vốn đăng ký 3.098 tỷ đồng (tương đương 140 triệu USD), tăng 13 lần so với năm 2015.

Lũy kế đến thời điểm hiện tại, KKT Vân Phong đã thu hút được 142 dự án đầu tư (116 dự án trong nước và 26 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký 1,47 tỷ USD, vốn thực hiện là 628 triệu USD, chiếm 42% vốn đăng ký. Trong đó, có 78 dự án đã đi vào hoạt động với vốn thực hiện là 600 triệu USD; 64 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với vốn đăng ký là 875 triệu USD, vốn đã thực hiện đạt khoảng 28 triệu USD. Ngoài ra, đang thực hiện thủ tục đầu tư cho một số dự án có quy mô lớn với tổng số vốn 6,8 tỷ USD, tiến độ thực hiện thủ tục các dự án này khá tích cực.

Riêng khu vực Bắc Vân Phong, ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết, năm 2012 có một nhóm nhà đầu tư đã vào khu vực này để tìm hiểu với ý định xây dựng khu vực này thành trung tâm tài chính quốc tế, có hình thức hoạt động giống như Dubai… Và với những tiềm năng hiện hữu và định hướng sẽ phát triển khu vực này thành “đặc khu kinh tế” nên từ thời điểm đó Tỉnh đã không kêu gọi đầu tư vào Bắc Vân Phong mà chỉ cho những dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện, còn những dự án mới thì không đưa vào đầu tư tại khu vực này để giữ nguyên trạng chờ xây dựng thành “đặc khu”. Vì lẽ đó, Bắc Vân Phong vẫn còn dư địa đầu tư khá lớn và đang sở hữu những ưu thế nhất định để giúp khu vực này có thể vươn lên phát triển vượt trội trong tương lai. 

Những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện khí hậu của Bắc Vân Phong được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Ảnh: Lê Tiên

Thế mạnh riêng có

Bắc Vân Phong có lợi thế so sánh về điều kiện phát triển cảng biển quốc tế. Là vịnh kín gió với quy mô diện tích lớn, Bắc Vân Phong ít chịu ảnh hưởng của bão, có độ sâu trung bình lý tưởng (20 - 27m) và không bị bồi lắng; có điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải biển quốc tế.
Theo ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, khu vực Bắc Vân Phong được lựa chọn xây dựng thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhờ những lợi thế so sánh về hạ tầng kết nối với cả nước và quốc tế. Bắc Vân Phong có vị trí thuộc trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương; gần các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng; nằm ở cực Đông của quốc gia và bán đảo Đông Dương; từ đây có thể kết nối giao thương hàng hoá thuận lợi với các vùng trong cả nước qua hệ thống giao thông trục chính sẵn có như: đường bộ Quốc lộ 1A, đường bộ cao tốc Bắc - Nam; Quốc lộ 26 kết nối vùng Tây Nguyên. Khu vực Bắc Vân Phong cũng có nhiều thuận lợi trong giao thông khi gần tuyến đường sắt Bắc - Nam và Cảng hàng không Tuy Hòa (Phú Yên) kết nối với Khánh Hòa; đặc biệt là dễ dàng kết nối với các quốc gia trên bán đảo Đông Dương qua đường bộ, kết nối các quốc gia khác trong khu vực qua đường biển. 

Bắc Vân Phong còn có lợi thế so sánh về điều kiện phát triển cảng biển quốc tế. Là vịnh kín gió với quy mô diện tích lớn, Bắc Vân Phong ít chịu ảnh hưởng của bão, có độ sâu trung bình lý tưởng (20 - 27m) và không bị bồi lắng; có điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải biển quốc tế.

Khu vực Bắc Vân Phong có nhiệt độ trung bình tương đối ổn định (26 - 280C); mùa mưa ngắn kéo dài chỉ 2 tháng cuối năm, ít gió bão, do vậy thuận lợi cho việc khai thác các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp gần như suốt năm mà không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện thời tiết. Đây cũng là một trong những điều kiện môi trường thuận lợi để thu hút dân cư, chuyên gia, nhà khoa học của nhiều quốc gia đến sinh sống, học tập và làm việc tại đây.

Khu vực này được đề xuất để xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, có ranh giới một phần diện tích của huyện Vạn Ninh nằm ở phía Đông Quốc lộ 1A và một phần diện tích xã Ninh An của thị xã Ninh Hòa là khu vực có mật độ dân số không cao nên sẽ giảm bớt được sự phức tạp trong khâu giải phóng mặt bằng.

Những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện khí hậu của Bắc Vân Phong đã được khẳng định, nhiều nhà đầu tư quốc tế như Mỹ, Ireland, Anh, Cayman... đánh giá cao qua những chuyến khảo sát thực địa, tìm hiểu và mong muốn được đầu tư vào khu vực này.

Khu vực Bắc Vân Phong thuộc địa bàn huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa có vị trí địa lý tiếp cận với các tuyến hàng hải quốc tế ngắn nhất so với các địa phương khác trên cả nước nên rất thuận lợi để kết nối trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi, vùng nước có độ sâu trung bình 20 - 27m, kín gió, không bị bồi lấp, có điều kiện lý tưởng để xây dựng và khai thác Cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế và dịch vụ logistics tại đây.

Hạ tầng giao thông khu vực Bắc Vân Phong rất thuận lợi: Quốc lộ 1A đi tỉnh Phú Yên; đường trục chính từ Quốc lộ 1A (Đèo Cổ Mã) đến Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong và một số tuyến đường giao thông hỗ trợ khác. Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong (50.000 DWT) tại Đầm Môn đang triển khai đầu tư xây dựng.

Hiệp hội du lịch Thế giới (OMT) đã nhận định: Vịnh Vân Phong, là một trong những bãi biển đẹp nhất trong khu vực châu Á và Viễn Đông, vượt xa Phuket (Thái Lan) và có thể so sánh được với bãi biển tuyệt mỹ ở Sierra Leone (châu Phi). Vịnh Vân Phong còn là một trong những nguồn dự trữ của ngành du lịch nghỉ dưỡng vùng nhiệt đới và được coi là điểm lý tưởng của khu du lịch sinh thái biển góp phần đa dạng hóa dịch vụ cho khu kinh tế Vân Phong.

Bắc Vân Phong, thắp sáng “ngọn hải đăng” quốc tế ảnh 2

Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030

Chuyên đề