AEC mở ra vận hội mới cho dân tộc

(BĐT) - Năm 2016 mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc khi Việt Nam và 9 nước ASEAN khác cùng nhau tham gia vào sân chơi chung - Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) - cộng đồng khu vực với 625 triệu dân, chiếm 8,8% dân số thế giới, với tổng GDP tương đương 2.500 tỷ USD, đứng thứ 10 thế giới.
AEC đi vào vận hành sẽ tạo điều kiện vô cùng quan trọng để các nước ASEAN tiếp tục gắn kết với nhau hơn
AEC đi vào vận hành sẽ tạo điều kiện vô cùng quan trọng để các nước ASEAN tiếp tục gắn kết với nhau hơn

“AEC mở ra vận hội mới cho dân tộc không chỉ về vấn đề kinh tế mà còn cả vấn đề an ninh, chính trị,văn hóa và xã hội để phát triển bền vững”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, TS. Ngô Đức Mạnh chia sẻ.

Chưa bao giờ từ “hội nhập” được nhắc đến nhiều như thời gian gần đây. Ông đánh giá thế nào về mức độ hội nhập của Việt Nam?

Không thể phủ nhận được những thành tựu, kết quả trên mọi lĩnh vực trong giai đoạn 2011 - 2015. Đây là điều kiện, tiền đề vô cùng quan trọng để chúng ta thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, thực hiện Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 sẽ được Quốc hội nhiệm kỳ XIV thông qua. Tôi cho rằng, kết quả, thành tựu mà chúng ta đã đạt được là do kiên trì thực hiện đồng bộ chính sách đổi mới, đặc biệt là tích cực chủ động hội nhập quốc tế.

Với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tham gia, đã ký kết và đã kết thúc đàm phán thành công, và Việt Nam đã trở thành thành viên của tất cả các tổ chức quốc tế lớn, có thể khẳng định, chúng ta chuyển đổi thành công từ hội nhập kinh tế quốc tế thành hội nhập quốc tế. Hiện Việt Nam đã tham gia đầy đủ các sân chơi quốc tế và khu vực với tư cách là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Ngày nay, hội nhập là thuật ngữ rất phổ biến trên mọi diễn đàn cũng như trong xã hội, tất cả các đạo luật được Quốc hội ban hành bao giờ cũng có điều khoản quy định: “Trường hợp trái với điều ước quốc tế thì thực hiện cam kết quốc tế”. Tuy vậy, để phát triển bền vững và nhất là hội nhập thành công, câu hỏi lớn đặt ra là phải làm thế nào để tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Đây là điều vô cùng quan trọng, bởi 2/3 tăng trưởng GDP của Việt Nam là nhờ thương mại, đầu tư và làm ăn với nước ngoài. 

AEC mở ra vận hội mới cho dân tộc ảnh 1
TS. Ngô Đức Mạnh
Người Việt đến các thành phố trong ASEAN “tìm mỏi mắt” cũng không thấy ở đâu bán hàng “made in Vietnam”. Trong khi đó, tại các siêu thị của Việt Nam, người tiêu dùng dễ dàng mua được hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN, thậm chí là cả gói bimbim “made in Thailand” cũng được bày bán trong các siêu thị Việt Nam?

Số lượng doanh nghiệp hiểu biết về FTA không nhiều, ngay cả AEC - sân chơi Việt Nam hội nhập sâu rộng nhất, nhiều doanh nghiệp hiểu biết rất hạn chế nên hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất khó chen chân vào thị trường nước bạn. Trong khi đó, hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu từ ASEAN 6 ngày càng được bày bán nhiều hơn ở các trung tâm thương mại, siêu thị. Đáng buồn là mặt hàng nhỏ như gói bimbim của nước bạn cũng thâm nhập được vào thị trường nội địa.

Điều chưa vui này một phần do lỗi của doanh nghiệp, nhưng phần lỗi lớn hơn cả là Nhà nước, cụ thể là cán bộ, công chức, viên chức chưa làm hết vai trò tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước là người hoạch định chính sách thì phải hiểu rõ, nắm được luật chơi của nền kinh tế trong thời đại hội nhập, nên ngoài việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào hội nhập quốc tế, phải phổ biến, hướng dẫn, thông tin đẩy đủ, cụ thể cho doanh nghiệp và người dân.

Nếu “đặt bài ngửa năm ăn năm thua”, theo ông, trong sân chơi AEC, cơ hội thắng của Việt Nam chiếm bao nhiêu phần trăm?

Tham gia bất cứ sân chơi nào, các thành viên đều “win - win” tức là tất cả cùng thắng, chỉ có điều là thắng nhiều hay thắng ít so với đối tác. AEC vừa mới được thành lập nên chưa thể tiên đoán chúng ta thắng nhiều hay thắng ít khi tham gia sân chơi này. Tuy nhiên, dù là tham gia AEC, TPP hay thực hiện các FTA khác, chúng ta có thành công hay không có nhiều thước đo, trong đó thước đo quan trọng nhất là an sinh xã hội có được cải thiện không, phúc lợi xã hội cho người nghèo, đối tượng bị thiệt thòi trong xã hội có được cải thiện không. Vì như tôi nói, tham gia AEC chúng ta không chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế mà còn nhiều vấn đề quan trọng khác nữa. 

Vấn đề quan trọng khác nữa là gì, thưa ông?

AEC không chỉ là liên minh kinh tế, mà còn là liên minh chính trị, văn hóa và xã hội. Khi ASEAN ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn thông qua việc hình thành AEC thì tiếng nói chung của các nước trong khu vực ngày càng có trọng lượng hơn với mọi vấn đề trên thế giới, đặc biệt là vấn đề rất nóng bỏng trong nhiều năm qua và bây giờ vẫn là vấn đề thời sự, vẫn là “hot news” trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước, đó là vấn đề Biển Đông.

Trước đây, khi ASEAN chưa thực sự gắn kết, khi đưa vấn đề Biển Đông ra các diễn đàn quốc tế, có những quốc gia do không bị ảnh hưởng nên không bày tỏ quan điểm, thái độ rõ ràng về vấn đề này, nhưng bây giờ tiếng nói của các nước trong ASEAN đã thống nhất, đồng quan điểm.

Hy vọng trong thời gian tới, với tiếng nói có trọng lượng hơn, cùng đồng tâm, đồng lòng các nước sẽ thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ASEAN và Trung Quốc cùng nhau ký kết vào năm 2002 tại Phnompenh và các bên sẽ sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đây là nhân tố quan trọng bảo đảm an ninh, ổn định cho khu vực, là thắng lợi rất lớn của AEC ngoài vấn đề kinh tế. 

Ngoài vấn đề Biển Đông, 5 nước ASEAN có mối quan tâm rất lớn khác đó là cùng nhau khai thác sông Mekong. Ông có kỳ vọng, với việc hình thành AEC, các thành viên có thể cùng nhau khai thác sông Mekong một cách bền vững, thay vì nước nào cũng khai thác tối đa làm ảnh hưởng đến quyền lợi, cuộc sống, sản xuất nông nghiệp của nước khác?

Hiện tại ngoài Trung Quốc còn có Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam cùng khai thác dòng sông dài thứ 12 thế giới này. Gần đây, các nước khai thác tối đa sông Mekong làm ảnh hưởng không nhỏ tới các nước khác, đặc biệt là nước nằm ở dưới hạ lưu như Việt Nam khi mà lũ lụt, hạn hán, ngập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến bất thường đã ảnh hưởng lớn tới việc khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy - hải sản cũng như sản xuất nông nghiệp.

Việc thành lập AEC tạo điều kiện vô cùng quan trọng để các nước ASEAN tiếp tục gắn kết với nhau hơn, không chỉ là vì sự phát triển kinh tế, mà còn là sự phát triển xã hội một cách bền vững, các nước trong khu vực cùng khai thác sông Mekong sẽ có tiếng nói chung, vì lợi ích chung, vì lợi ích của cả khu vực để cùng với Trung Quốc chia sẻ nguồn lợi một cách bền vững do sông Mekong đem lại, thay vì khai thác quá mức, không chia sẻ với khó khăn của nước khác, làm ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của nước khác, đặc biệt là những nước ở khu vực hạ lưu.

Ngoài lợi ích chung từ sông Mekong, các nước trong khu vực có rất nhiều thế mạnh chung, cần phải hợp tác với nhau để chia sẻ, phát huy thế mạnh của mỗi nước như du lịch,  hạ tầng giao thông, hoạt động thương mại, đầu tư với các nước ngoài khu vực… Tôi rất kỳ vọng khi ASEAN bước lên một tầm cao mới với việc hình thành AEC, 10 nước trong khu vực và cả Đông Timor sẽ phối hợp chặt chẽ hơn để giải quyết mọi vấn đề trong nội khối cũng như với các nước trên thế giới, tương tự như sự hợp tác, gắn bó chặt chẽ giữa 28 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU).

Chuyên đề