ADB cam kết tăng hỗ trợ cho Việt Nam

Giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ tiếp tục cho Việt Nam vay một tỷ USD mỗi năm, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại 5-7 triệu USD.
Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam. Ảnh: MPI
Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam. Ảnh: MPI

Trong buổi họp báo về Chiến lược Đối tác Quốc gia (CPS) với Việt Nam giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận xét Việt Nam đã phát triển tốt trong 20 năm qua. So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam đạt nhiều thành tựu, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục.

Tuy nhiên, những thách thức mới cũng ngày càng nhiều. Đó là thiệt hại về môi trường, tốc độ gia tăng lực lượng lao động giảm và còn nhiều nhóm người nghèo trong xã hội.

Để giúp Chính phủ giải quyết các vấn đề này, ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ những khoản đầu tư nhằm đạt được ba kết quả chủ chốt: "Đó là thúc đẩy tạo việc làm và khả năng cạnh tranh, tăng cường sự đồng đều trong cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ, đồng thời cải thiện tính bền vững môi trường và khả năng ứng phó biến đổi khí hậu".

Trong đó, việc tập trung hỗ trợ cho môi trường và biến đổi khí hậu là điểm khác biệt so với chiến lược trước đây. ADB cũng khẳng định họ không chỉ hỗ trợ tài chính, mà sẽ phổ cập tri thức và công nghệ mới cho Việt Nam.

Theo dự kiến, giai đoạn 2016-2020, ADB sẽ tiếp tục cho vay Chính phủ một tỷ USD mỗi năm, hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại 5-7 triệu USD một năm. Bên cạnh đó, nguồn vốn đồng tài trợ từ các đối tác phát triển và các quỹ khí hậu vào khoảng 1,4 tỷ USD. Họ cũng sẽ tập trung huy động thêm hỗ trợ từ các quỹ khí hậu toàn cầu. ADB cho biết sẵn sàng tăng quy mô hỗ trợ nếu Chính phủ yêu cầu.

Cuối tháng trước, ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay xuống 6%. Trong khi đó, mục tiêu tăng GDP của Việt Nam được Chính phủ đặt ra là 6,7%. Khi được hỏi việc này có khả thi hay không, ông Sidgwick cho rằng với con số và khả năng đạt được không phải yếu tố quá quan trọng. Điều cần quan tâm là chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng. Vì kinh tế phát triển quá nóng, không bền vững sẽ để lại nhiều hệ lụy xã hội.

Đại diện ADB cũng nhận xét tuy nợ công Việt Nam đang tiến sát trần 65% GDP, tình hình tại Việt Nam không được coi là khủng hoảng. Cơ quan này đề xuất nhiều cách để cải thiện ngân sách. Về mặt nguồn thu, họ cho rằng Việt Nam có thể tăng thu thuế, nhưng không phải từ tăng hay thêm thuế, mà là mở rộng diện thu hiện tại và xem xét lại các biện pháp ưu đãi.

Còn về mặt chi tiêu công, các khoản chi thường xuyên (như lương công chức) cần được đánh giá lại. Trong khi đó, các khoản chi để đầu tư phải xem xét liệu hiệu quả có tương ứng với số lượng hay không.

ADB cũng đánh giá Việt Nam vẫn chưa xử lý được nợ xấu, mà chỉ là chuyển nợ từ bảng cân đối kế toán của các ngân hàng sang Công ty quản lý tài sản (VAMC). Họ cho rằng nguyên nhân có thể là môi trường pháp lý chưa đầy đủ. Và Việt Nam cần có kế hoạch rõ ràng hơn để xử lý vấn đề này.

Trong buổi họp báo, cơ quan này còn bày tỏ quan điểm không khoan nhượng với các trường hợp tham nhũng trong dự án cơ sở hạ tầng. Họ cho biết kinh nghiệm hoạt động tại nhiều nước đã giúp ADB xây dựng cơ chế kiểm tra nghiêm ngặt, từ rà soát hồ sơ đấu thầu đến khi thực hiện. Nếu có bằng chứng về tham nhũng, công ty vi phạm sẽ bị đưa vào danh sách đen của cả ADB và Ngân hàng Thế giới (WB). 

Chuyên đề