7 tháng còn 13 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 10%

(BĐT) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm yếu trong bức tranh kinh tế vĩ mô của nền kinh tế. Ước giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 134,5 nghìn tỷ đồng, bằng 35,35% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, giải ngân vốn trong nước đạt 37,58% kế hoạch; vốn ngoài nước đạt 14,3% kế hoạch.
Các bộ, ngành, địa phương được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa. Ảnh: Nhã Chi
Các bộ, ngành, địa phương được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa. Ảnh: Nhã Chi

Bộ KH&ĐT nhận định, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công vẫn thấp, nhất là nguồn vốn trái phiếu chính phủ và vốn nước ngoài. Có 5 bộ, ngành và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 60% kế hoạch.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bộ, ngành và địa phương có số giải ngân thấp, đặc biệt có 35 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%. Trong đó 13 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%. Việc giải ngân chậm do nhiều dự án đầu tư nguồn vốn ODA kế hoạch 2019 gặp vướng mắc liên quan đến ký kết, gia hạn các hiệp định và thỏa thuận vay lại vốn ODA, thuế nhập khẩu, kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước, thủ tục ghi thu - ghi chi với Bộ Tài chính, chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu… Giải ngân vốn trái phiếu chính phủ chậm do một số địa phương đang tập trung giải ngân số vốn được phép kéo dài thủ tục từ năm 2018…

Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án; đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Đặc biệt, cần kiên quyết điều chỉnh, cắt giảm vốn từ các dự án giải ngân thấp, chuyển sang dự án đang có nhu cầu bổ sung vốn.

Chuyên đề