2 năm cuối kế hoạch đầu tư công trung hạn: Nguồn lực nào đáp ứng nhu cầu đầu tư?

(BĐT) - Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 đã đi qua nửa chặng đường. Nhiều việc đã làm được trong lần đầu tiên lập kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tuy nhiên, thời gian còn lại vẫn có nhiều vấn đề phải giải quyết, trong đó có vấn đề nguồn lực, khi mà nhu cầu vốn cho 2 năm tới vượt xa nguồn vốn còn lại có thể bố trí.
Các địa phương phải xác định mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2019. Ảnh: Lê Tiên
Các địa phương phải xác định mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2019. Ảnh: Lê Tiên

Nguồn vốn hạn hẹp

Ngày 23/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức Hội nghị Đánh giá giữa kỳ kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và xây dựng kế hoạch năm 2019 đối với 2 vùng miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng.

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 phân bổ cho vùng Đồng bằng sông Hồng là 285.764 tỷ đồng, trong đó trừ 10% dự phòng thì nguồn vốn phân bổ chi tiết là 257.245 tỷ đồng. Kế hoạch 3 năm đã giao 204.151 tỷ đồng, số vốn còn lại của 2 năm 2019 - 2020 là 53.094 tỷ đồng. Trong khi đó, riêng nhu cầu năm 2019 là 59.548 tỷ đồng.

Với miền núi phía Bắc, kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 sau khi trừ dự phòng thì nguồn vốn phân bổ chi tiết là 132.103 tỷ đồng. Kế hoạch 3 năm đã giao 88.470 tỷ đồng, số vốn còn lại khoảng 43.633 tỷ đồng, trong khi nhu cầu của năm 2019 là 45.609 tỷ đồng.

Dự kiến kế hoạch đầu tư năm 2019 của cả nước có tổng nguồn là 429.300 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2018.

Lãnh đạo nhiều địa phương của 2 vùng nói trên cho biết, hai năm tới nhiệm vụ chi còn nhiều mà không có nguồn lực để bố trí.

Ông Vương Đức Sáng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chia sẻ thực tế của địa phương, tăng thu ngân sách đáng lẽ phải ưu tiên cho đầu tư phát triển thì lại chưa được ưu tiên trong phân bổ.

Nguồn lực cho giai đoạn 2016 - 2020 đã hạn hẹp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh cho biết, nguồn vốn trung hạn 2016 - 2020 phải ưu tiên bố trí trả nợ xây dựng cơ bản, thực hiện dự án chuyển tiếp với con số nợ đọng và số lượng dự án chuyển tiếp của giai đoạn trước rất lớn. Vì thế, không còn tiền để thực hiện dự án mới, cũng như khó khăn trong thực hiện nhiều nhiệm vụ chi quan trọng. 

Đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức PPP

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách, Văn phòng Quốc hội cho rằng, kế hoạch năm 2019 khi nguồn lực khan hiếm, nhu cầu bố trí rất cao, thì vấn đề sắp xếp thứ tự ưu tiên như thế nào trong tổng nguồn lực là rất quan trọng.

Bộ KH&ĐT lưu ý khi lập kế hoạch đầu tư công năm 2019, các địa phương phải xác định mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong kế hoạch năm 2019 phù hợp với kế hoạch trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư năm 2019, phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân. Chỉ khởi công mới dự án kế hoạch 2019 khi thực sự cần thiết và đáp ứng đủ điều kiện: đã được cấp có thẩm quyền giao vốn kế hoạch đầu tư công 2016 - 2020; có quyết định phê duyệt đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; thực hiện đúng trình tự lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

Đặc biệt, các địa phương không xây dựng phương án bố trí vốn kế hoạch 2019 vượt quá số vốn trung hạn còn lại được giao giai đoạn 2016 - 2020, ưu tiên bố trí vốn trả nợ xây dựng cơ bản, hoàn ứng trước trong kế hoạch năm, đẩy nhanh thực hiện giải ngân các dự án.

Ông Vương Đức Sáng cho rằng, trong điều kiện thiếu vốn, nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển không đủ thì đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có hình thức hợp đồng BOT, BT là chủ trương đúng và rất cần thiết để đầu tư hạ tầng, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình triển khai hình thức PPP thời gian qua còn một số vấn đề hạn chế, nhưng có nguyên nhân lớn ở người thực hiện, không phải do chính sách, như việc lựa chọn dự án chưa đúng, xác định tổng mức đầu tư công trình chưa sát... Ông Sáng cho biết, hiện tỉnh Hải Dương đang dừng thực hiện dự án BT theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, dự án BOT cũng còn vướng mắc, cần sớm tháo gỡ, nếu không sẽ bế tắc về vấn đề nguồn lực đầu tư cho hạ tầng.

Để giải bài toán thiếu vốn đầu tư so với nhu cầu trong thời gian còn lại của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh việc thu hút nguồn lực tư nhân vào kết cấu hạ tầng, dịch vụ công theo hình thức PPP. Ông Sinh đánh giá cao sự cần thiết xây dựng Luật PPP để có khung pháp lý đủ mạnh, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư. Đồng thời phải tăng tính minh bạch trong toàn bộ quy trình thực hiện dự án và có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm. Hai điểm nghẽn lớn nhất cản trở thu hút vốn tư nhân nước ngoài đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP thời gian qua là bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ và doanh thu tối thiểu cần được lưu tâm giải quyết trong Luật PPP.

Chuyên đề