Căng thẳng địa chính trị và nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu lửa ở Trung Đông - nhân tố hỗ trợ giá dầu những phiên gần đây - đang lắng xuống. |
Thống kê cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng mạnh đã khiến giá dầu thế giới sụt giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, cắt đứt xu hướng tăng mạnh gần đây. Căng thẳng địa chính trị lắng dịu ở Trung Đông và đồng USD vững giá hơn cũng là những nhân tố khiến giá dầu đi xuống.
Theo hãng tin CNBC, trong phiên giao dịch tại New York, giá dầu thô giao sau có lúc giảm hơn 2%. Lúc chốt phiên, giá dầu WTI giảm 87 cent/thùng, tương đương mức giảm 1,3%, còn 64,38 USD/thùng.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 6 cũng có thời điểm giảm 2% trong phiên giao dịch. Khi đóng cửa, giá dầu Brent hạ 71%, tương đương giảm 1%, còn 68,75 USD/thùng.
Đầu tuần này, cả giá dầu WTI và Brent đều gần đạt đỉnh của 3 năm, trong đó giá dầu WTI lên gần 66 USD/thùng, còn giá dầu Brent đã vượt 70 USD/thùng.
Trong tuần trước, giá dầu Brent tăng 6,4% còn giá dầu WTI tăng 5,7%, mức tăng giá mạnh nhất trong 1 tuần của cả hai loại dầu kể từ tháng 7 năm ngoái.
Phiên giảm vào ngày thứ Tư đưa giá dầu về mức thấp nhất trong vòng khoảng 1 tuần trở lại đây.
Dữ liệu do Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố cho thấy dự trữ dầu thô của nước này tăng thêm 1,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/3. Lượng dầu tồn tại cảng dầu Cushing, Oklahoma cũng tăng thêm 1,8 triệu thùng.
Theo ông John Kilduff, nhà phân tích thuộc công ty đầu cơ dầu lửa Again Capital, lượng dầu tồn ở Cushing tăng nhanh như vậy là một thông tin bất lợi lớn đối với giá dầu. Nhưng ông Kilduff cũng nói rằng thông tin mà báo cáo của EIA không đáng ngại, bởi hoạt động đang diễn ra mạnh mẽ tại các nhà máy lọc dầu và nhu cầu tiêu thụ xăng ở mức cao tại Mỹ sẽ nhanh chóng hút bớt lượng dầu tồn.
Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu lửa ở Trung Đông - nhân tố hỗ trợ giá dầu những phiên gần đây - đang lắng xuống.
Những căng thẳng này bao gồm vụ tên lửa được phóng từ Yemen vào Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới. Ngoài ra, trong chuyến thăm Mỹ, thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia tuyên bố sẽ tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân nếu Iran - đối thủ khu vực của Riyadh - phát triển vũ khí hạt nhân.
"Tôi cho rằng căng thẳng đã lắng xuống phần nào. Vụ phóng tên lửa từ Yemen vào Saudi Arabia vào đêm Chủ nhật đã khiến thị trường rúng động", ông Kilduff phát biểu. "Thái tử Saudi Arabia thì đang mải tìm kiếm các thỏa thuận, nên có vẻ vấn đề hạt nhân không phải là tâm điểm chú ý của thị trường vào thời điểm này".
Dữ liệu về sản lượng dầu thô của Mỹ cũng gây sức ép đối với thị trường. Theo EIA, sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục tăng, đạt mức 10,43 triệu thùng/ngày, củng cố vai trò mới của Mỹ là nước sản xuất dầu thô lớn thứ nhì thế giới, sau Nga và trước Saudi Arabia.
Bên cạnh đó, xuất khẩu dầu của Mỹ tiếp tục ở mức cao, đặt ra thách thức đối với nỗ lực cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga. Mức xuất khẩu dầu của Mỹ tiếp tục giữ vững gần mức 1,6 triệu thùng/ngày trong tuần trước.
"Mỹ càng xuất khẩu nhiều dầu, thì việc cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga càng mất tác dụng", nhà nghiên cứu thị trường Gene McGillian thuộc Tradition Energy phát biểu.
OPEC, khối gồm 14 nước thành viên, và Nga đang duy trì việc giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày cho tới cuối năm nay. Đầu tuần này, thái tử Mohammed cho biết OPEC và Nga dự định sẽ ký một thỏa thuận liên minh kéo dài 10-20 năm thay vì liên minh ngắn hạn như hiện tại.
Đồng USD hôm qua đã hồi giá sau khi chạm mức thấp nhất 5 tuần vào hôm thứ Tư. Theo quy luật thường thấy, đồng bạc xanh tăng giá gây sức ép giảm giá lên các loại hàng hóa định giá bằng đồng tiền này, trong đó có dầu thô.