Xin chỉ định thầu cho nhanh rồi triển khai chậm

(BĐT) - Thời gian qua, không ít dự án xin chỉ định thầu hoặc xin thực hiện không thông qua đấu thầu thường lấy lý do cấp bách, cần đẩy nhanh tiến độ nhưng sau đó triển khai rất chậm, thậm chí kéo dài thời gian thực hiện hơn rất nhiều so với dự án được tổ chức đấu thầu một cách bình thường. Vậy, đâu là nguyên nhân?
Dù đã được Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, song đến nay, sau hơn 1 năm, Hà Nội vẫn chưa thể hoàn thành tất cả các dự án giao thông cấp bách
Dù đã được Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, song đến nay, sau hơn 1 năm, Hà Nội vẫn chưa thể hoàn thành tất cả các dự án giao thông cấp bách

Lý do cấp bách không rõ ràng

Ngày 19/7/2017, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường thuộc địa bàn Hà Nội. Theo đó, thời điểm thanh tra có 15 dự án BT nhưng chỉ 1 dự án thực hiện đấu thầu, còn lại đều là chỉ định thầu. Các dự án chỉ định thầu đều có lý do chung là cấp bách, cấp thiết nhưng UBND TP. Hà Nội không thực hiện đúng quy trình, quy định, không có số liệu chứng minh hay làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách hay cấp thiết. Kết luận thanh tra khẳng định hầu hết dự án bị chậm tiến độ và nêu rõ: “UBND TP. Hà Nội không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ, lựa chọn ký hợp đồng để thực hiện dự án với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực”.

Một ví dụ khác điển hình cho việc xin cơ chế đặc thù để triển khai cho nhanh nhưng thực tế lại triển khai rất chậm là các dự án giao thông cấp bách của Hà Nội. Tháng 4/2016, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép giao thầu mà không thực hiện đấu thầu với 8 dự án công trình giao thông có tính đặc thù, cấp bách, cần triển khai và hoàn thành trong năm 2016 nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố. Vậy nhưng, trên thực tế, Hà Nội đã “lỗi hẹn”, không thể hoàn thành các công trình cấp bách này trong năm 2016.

Liên quan đến các dự án cấp bách giao thầu của Hà Nội, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đấu thầu về việc tại sao lúc xin cơ chế đặc thù, Hà Nội lấy lý do cấp bách nhưng đến khi có cơ chế rồi thì triển khai dự án chậm, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Việc xin cơ chế giao thầu là để rút ngắn thời gian thủ tục lựa chọn nhà thầu từ khâu thiết kế, thi công đến tư vấn giám sát. Nếu thực hiện đấu thầu thì phải triển khai qua tối thiểu 3 lần (Lần 1: Đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập dự án; Lần 2: Đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; Lần 3: Đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công và đơn vị tư vấn giám sát)”. Và trên thực tế, dù đã được Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, song đến nay, sau hơn 1 năm, Hà Nội vẫn chưa thể hoàn thành tất cả các dự án giao thông cấp bách này. 

Chỉ định cho nhanh dù chưa chuẩn bị kỹ

Một “thói quen” ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án được chỉ định thầu là khi chỉ định thầu, nhiều nội dung không rõ ràng, dẫn đến khi được chỉ định rồi khó bắt tay vào triển khai được.  
Theo các chuyên gia, một “thói quen” ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án được chỉ định thầu là khi chỉ định thầu, nhiều nội dung không rõ ràng, đặc biệt là các nội dung về bảo lãnh ngoại hối, giá điện (đối với dự án BOT điện), thanh toán, phần hỗ trợ của Nhà nước, giải phóng mặt bằng… dẫn đến khi được chỉ định rồi khó bắt tay vào triển khai được.

Đơn cử, một dự án đầu tư khu đô thị tại TP.HCM được UBND TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư 10 năm trước, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 30 ngàn tỷ đồng. Cuối năm 2015, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định chỉ định cho một liên danh nhà đầu tư thực hiện Dự án. Tuy nhiên, đến nay Dự án vẫn chưa thể triển khai. Và trên thực tế cũng chưa biết bao giờ dự án khủng này mới được triển khai bởi Liên danh đã được chỉ định thực hiện Dự án đã “đứt gánh giữa đường”.

Một thực tế khác là khi chỉ định thầu, nhiều nội dung không rõ ràng dẫn đến việc phải đàm phán nhiều lần. Hệ lụy từ việc này dẫn đến tổng thời gian trong lựa chọn nhà đầu tư rất dài. Thậm chí nhiều dự án xảy ra tình trạng phải đàm phán giữa các bên liên quan rất nhiều lần, mất rất nhiều thời gian. Theo Bộ Công Thương, có những dự án điện (BOT), việc giao nhà đầu tư (chỉ định) thực hiện dự án được tiến hành nhanh ban đầu, nhưng lại mất rất nhiều thời gian để đàm phán, hoàn thiện hợp đồng, như Dự án điện Mông Dương 2 đàm phán từ cuối năm 2005 đến năm 2009 (mất 5 năm); Dự án điện Vĩnh Tân từ năm 2009 đến năm 2012 (4 năm). Một báo cáo khác của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra rằng, trên thực tế, sau khi được chỉ định, nhiều dự án từ 2 - 3 năm không triển khai được.

Chuyên đề