Xây dựng “sàn” giao dịch cho mua sắm công qua mạng

(BĐT) - Thị trường điện tử E-Marketplace – một trong những cấu phần của hệ thống danh mục hàng hóa điện tử được kỳ vọng sẽ là một trong những “sàn” mua sắm sôi động trong thời gian tới. Mua sắm công, đấu thầu đang bước vào thời kỳ số hóa ở mức cao hơn bao giờ hết.
Cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu và các bên liên quan đang nỗ lực để xây dựng một “sàn” giao dịch điện tử cho mua sắm công hiệu quả tại Việt Nam. Ảnh: NC st
Cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu và các bên liên quan đang nỗ lực để xây dựng một “sàn” giao dịch điện tử cho mua sắm công hiệu quả tại Việt Nam. Ảnh: NC st

Đủ cơ sở để xây dựng E-Marketplace

Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu, đến năm 2018, các cải tiến trên hệ thống đấu thầu điện tử đã vượt bậc. Cụ thể, hiện Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã số hóa toàn bộ các mẫu hồ sơ mời thầu (HSMT) mua sắm hàng hóa, xây lắp, tư vấn, dịch vụ phi tư vấn. Áp dụng cho cả phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ. Hệ thống đã có thể tự động tính giá dự thầu, không phải hiệu chỉnh lỗi số học. Nhà thầu có thể làm rõ hồ sơ dự thầu (HSDT), rút và nộp lại HSDT, đưa giảm giá vào đơn dự thầu. Đồng thời, bên mời thầu đã có thể tự đăng tải thông tin đấu thầu bằng chứng thư số, kết nối Hệ thống từ kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) đến kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT).

Các chức năng mới của Hệ thống trong thời gian sắp tới là tăng dung lượng file HSDT lên 300MB, kết nối với hệ thống của ngân hàng để truy xuất thông tin bảo lãnh dự thầu qua mạng. Trong thời gian sớm nhất, sẽ chính thức ra mắt cổng thông tin mới của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Theo đánh giá của các đại biểu tham gia Hội nghị lấy ý kiến xây dựng hệ thống E-marketplace và quy trình mua sắm tập trung của doanh nghiệp nhà nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 25/9 tại TP.HCM, hiện nay, cơ sở pháp lý để triển khai đấu thầu qua mạng cơ bản đã đầy đủ và được đánh giá là phù hợp khi áp dụng thực tế. Hầu hết các chủ đầu tư, bên mời thầu đã đăng ký chứng thư số và được đào tạo nghiệp vụ đấu thầu qua mạng. Bên cạnh đó, thực tế triển khai cho thấy các địa phương ra hạn mức cụ thể đối với các gói thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng đều đạt kết quả rất tốt. Điển hình như tại Đà Nẵng, Hòa Bình, Thanh Hóa…

Giám đốc Chương trình USAID GIG David Anderson cho biết, đấu thầu qua mạng sẽ giúp tăng cường công khai, minh bạch cho công tác đấu thầu. Đồng thời, đấu thầu qua mạng sẽ cải thiện môi trường cạnh tranh giữa các nhà thầu. Thông qua đấu thầu qua mạng sẽ giúp nhà nước dễ dàng hơn trong việc thu thập thông tin, hỗ trợ quản lý nhà nước về đấu thầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các khâu hậu kiểm, kiểm toán. “Chúng tôi biết rằng, xây dựng hệ thống E-marketplace là nền tảng quan trọng để đẩy mạnh đấu thầu qua mạng. Đây là thời điểm chín muồi để Việt Nam xây dựng mô hình “chợ” đấu thầu điện tử. Hoạt động đấu thầu qua mạng là trọng tâm của chúng tôi vì Chính phủ Hoa Kỳ luôn quan tâm đến nỗ lực hỗ trợ Việt Nam trong các cải cách”, ông David Anderson khẳng định. 

Cần sự đồng thuận tuyệt đối

Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện USAID GIG còn cho biết, những thách thức mà Việt Nam đã vượt qua để xây dựng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với nhiều tiện ích, cũng như đưa hình thức đấu thầu qua mạng đi vào thực tế trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. “Những thách thức trước mắt của các bạn cần vượt qua cũng sẽ còn nhiều. Đó không chỉ ở mặt kỹ thuật, hạ tầng mà còn cả khuôn khổ pháp lý. Và quan trọng hơn, cần sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, đơn vị mời thầu và khu vực tư - tức các nhà thầu”.

Chia sẻ thêm về nội dung này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, để tổ chức, vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, cũng như xây dựng E-Marketplace là rất phức tạp. “Việc xây dựng các quy chuẩn sản phẩm, quy trình mua sắm như thế nào để phù hợp với mọi đối tượng mất rất nhiều công sức và cần sự tập trung cao độ. Do đó, ngay từ khâu xây dựng các hệ thống như E-catalog, E-Marketplace đều cần sự phối hợp liên ngành. Tại Việt Nam, các “sàn” thương mại điện tử như Tiki, Sendo đều do chính người Việt xây dựng và phát triển thành công. Do đó, nỗ lực của chúng ta là đồng thuận để xây dựng một “sàn” giao dịch điện tử cho mua sắm công hiệu quả”, ông Tuấn nhận định.

Để xây dựng và vận hành thành công hệ thống E-Marketplace cũng như danh mục E-Catalog, đối tượng cực kỳ quan trọng chính là các nhà thầu. Cục Quản lý đấu thầu khẳng định, sự tham gia và tương tác từ phía các nhà thầu chính là thước đo cho những bước đi vững chắc theo đúng lộ trình của đấu thầu qua mạng. “Để đạt được mục tiêu đến  giai đoạn 2019 - 2025 đạt tỷ lệ 60% các gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thực hiện đấu thầu qua mạng, Việt Nam cần sự tham gia của đông đảo nhà thầu. Hoa Kỳ mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia thị trường này”, đại diện USAID GIG cho biết.

Trong khi đó, bà Nhung Phạm, Giám đốc Thương mại của “sàn” giao dịch Tiki khẳng định, “luôn sẵn sàng để chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tăng cường kết nối khách hàng, các tiện ích của giao dịch điện tử nhằm cùng với Cục Quản lý đấu thầu xây dựng được một hệ thống E-Marketplace thực sự thu hút sự tham gia của đông đảo nhà thầu”.

Chuyên đề