“Vòng kim cô” oan nghiệt

(BĐT) - Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) “cấm cửa” 23 nhà thầu đang trở thành đề tài được giới nhà thầu rất quan tâm. Báo Đấu thầu giới thiệu câu chuyện của Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi II (HECII) – nhà thầu vừa được dỡ bỏ “lệnh cấm” sau kỳ đánh giá vừa qua của Bộ NN&PTNT và ý kiến của một số nhà thầu về sự việc nói trên.
Hồ chứa nước Phước Hòa (Bình Phước) - một trong những công trình do HECII tham gia thực hiện. Ảnh: Phước Hòa
Hồ chứa nước Phước Hòa (Bình Phước) - một trong những công trình do HECII tham gia thực hiện. Ảnh: Phước Hòa

Câu chuyện của HECII

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi II (HECII) cho biết, ông rất ủng hộ các đánh giá, nhận xét về năng lực của nhà thầu trong đấu thầu. Ông Tiến cho biết, trong năm 2015, HECII có tham gia đấu thầu gói thầu “Giám sát xây dựng công trình đập đất số 1, số 2 Hồ chứa nước Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk do Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 (Ban 8) thuộc Bộ NN&PTNT làm bên mời thầu. Tuy nhiên, trong quyết định hủy  thầu, Ban 8 đã loại HECII với lý do “Hồ sơ dự thầu đạt tất cả các tiêu chí của HSMT, nhưng HECII không hoàn thành công tác giám sát một số công trình do Bộ NN&PTNT quản lý”.

Theo chia sẻ của HECII, vào thời điểm đó, HECII đang giám sát 3 công trình do Bộ NN&PTNT quản lý. Cụ thể là Công trình Đập đất hồ chứa nước Ngàn Trươi (Hà Tĩnh), theo tiến độ công trình đắp đập vượt lũ đã hoàn thành và cao hơn yêu cầu 4m trước mùa mưa lũ năm 2015. Với sự nỗ lực, các đơn vị tham gia đã được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT biểu dương tại buổi giao ban tháng 6/2015. Công trình Kênh chính Ngàn Trươi cũng đã hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng cao. Công trình này được chính Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị quản lý đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Thứ ba là công trình Hồ Tả Trạch đã hoàn thành cơ bản từ tháng 7/2014 và đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán xong. Riêng mục dây truyền tín hiệu quan trắc từ tràn xả lũ chưa đấu nối được vào nhà quản lý là do nhà quản lý chưa được xây dựng. Tháng 7/2015 nhà quản lý mới được ký kết hợp đồng thi công”. Từ cơ sở này, HECII cho rằng, khi tham gia thực hiện các công trình do Bộ NN&PTNT quản lý, HECII đã hoàn thành tốt công tác giám sát. HECII đề nghị Ban 8 xem xét lại kết quả đánh giá năng lực giám sát của HECII tại các công trình nêu trên.

Một chuyên gia đấu thầu cho biết, điều quan trọng nhất của một nhà thầu khi muốn khẳng định năng lực chính là đảm bảo chất lượng và tiến độ của gói thầu. Nhà thầu khi được giao thầu cần tạo được niềm tin cho các chủ đầu tư. Cơ quan quản lý nhà nước cần có những tiêu chí đánh giá khách quan về năng lực của nhà thầu. Và nhà thầu cũng cần có những chuẩn bị cụ thể để làm sao chứng minh được nỗ lực của mình trong các gói thầu được giao.
Liên quan đến đề nghị xem xét lại kết quả đánh giá năng lực giám sát của HECII, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 (Ban 5) có Văn bản số 277/BAN5-VP ngày 11/8/2015 gửi Cục Quản lý xây dựng công trình thuộc Bộ NN&PTNT để cung cấp thông tin liên quan.

Văn bản của Ban 5 xác nhận: “HECII thực hiện công tác giám sát xây dựng các gói thầu 15, 16, 17, 18, 20 và 21 của Dự án Hồ chứa nước Tả Trạch từ năm 2008 đến ngày 30/8/2014 hoàn thành cơ bản công tác xây dựng đảm bảo chất lượng. Từ đầu năm 2015 đến nay, Tư vấn giám sát đã thực hiện công tác giám sát chủ yếu lắp đặt 3 cửa van cung còn lại của tràn xả lũ, hệ thống điện vận hành, đường quản lý, giám sát hoàn thiện và sửa chữa những hạng mục hư hỏng nhỏ để chuẩn bị bàn giao công trình. Tư vấn giám sát đã tham gia công tác lập bản vẽ hoàn công và làm việc với Kiểm toán Nhà nước về các gói thầu nêu trên và đã hoàn thành trong tháng 7/2015. Tuy nhiên, còn một hạng mục là đường truyền tín hiệu từ thiết bị quan trắc Tràn xả lũ đến Nhà quản lý, Tư vấn giám sát mới chỉ có thư nhắc nhở nhà thầu gói 18 thực hiện, nhưng chưa tư vấn cho Chủ đầu tư có biện pháp yêu cầu nhà thầu gói 18 thực hiện công việc trên, nên hạng mục này đến nay vẫn chưa hoàn thành”.

Ông Nguyễn Văn Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT đã xác nhận rằng, thông báo của Cục Quản lý xây dựng công trình liên quan đến HECII không phải là văn bản cấm đấu thầu. Bộ cũng đề nghị Cục làm rõ để không ảnh hưởng đến các công trình xây dựng. Tuy nhiên, những thông báo chưa đầy đủ thông tin như vậy vẫn gây ra một số khó khăn cho nhà thầu, HECII phải tiến hành làm rõ thông tin, xác nhận của các đơn vị liên quan.

Phải tạo niềm tin cho chủ đầu tư

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho biết, việc tham gia đấu thầu và mong muốn trúng thầu là nỗ lực rất lớn của các nhà thầu thực sự đang hàng ngày, hàng giờ đi đấu thầu trên cả nước. Một nhà thầu chia sẻ: “Qua trình đấu thầu, đặc biệt là quản lý chất lượng công trình sau đấu thầu là cả một quá trình dài, nhiều diễn biến, liên quan trực tiếp đến rất nhiều nhà thầu khác như thầu chính – thầu phụ, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp vật liệu… Việc đánh giá năng lực của nhà thầu là vô cùng cần thiết đối với mọi nhà thầu. Từ đó cho thấy, trách nhiệm của mọi nhà thầu là phải tạo được niềm tin cho các chủ đầu tư thông qua chất lượng và tiến độ của dự án. Triển khai nhanh các biện pháp thi công theo yêu cầu của hợp đồng, huy động tổng hợp nhân lực, thiết bị, vật tư để đáp ứng khối lượng công việc đặt ra nhằm đạt và vượt tiến độ là cách khẳng định thương hiệu nhà thầu tốt nhất với các chủ đầu tư”.

Ông Nguyễn Bá Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Quốc Tế (INDECO) cho biết: “Chất lượng và tiến độ của công trình là tấm gương phản ánh rõ nhất năng lực của nhà thầu. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, có rất nhiều yếu tố bất khả kháng ảnh hưởng trực tiếp đến việc thi công của nhà thầu, ảnh hưởng đến cả tiến độ công trình, dự án. Mặc dù nhiều hợp đồng đã có quy định về trường hợp bất khả kháng, quyền miễn trừ trách nhiệm của nhà thầu trong trường hợp này. Tuy nhiên, không ít trường hợp, mặc dù nhà thầu nỗ lực nhưng các chủ đầu tư vẫn chưa hiểu hoặc cố tình không hiểu để có sự chia sẻ”.

Từ góc độ một nhà thầu đã có cơ hội giải trình, được tham gia đấu thầu, đại diện HECII nhận định: “Đánh giá năng lực nhà thầu là việc rất quan trọng để cơ quan nhà nước có những cơ sở xác định khả năng của đội ngũ nhà thầu trong từng lĩnh vực cụ thể. Đây là công cụ quan trọng để nâng cao chất lượng công tác đấu thầu. Nếu các nhà thầu bị đánh giá cảm thấy chưa thỏa đáng, hoàn toàn có thể đưa ra những giải trình cụ thể, thuyết phục để chứng minh năng lực thực sự của mình. Chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm, nếu chủ đầu tư đưa ra lệnh cấm nhà thầu mà thiếu căn cứ thì nhà thầu hoàn toàn có quyền kiến nghị, thậm chí khởi kiện ra Tòa để được giải quyết”.

Chuyên đề