Vì sao đơn kiến nghị của nhà thầu “đi lạc”?

(BĐT) - Việc kiến nghị và giải quyết kiến nghị của nhà thầu đã được pháp luật về đấu thầu quy định rõ. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số địa phương, trên thực tế, không ít trường hợp đơn/thư kiến nghị của nhà thầu gửi không đúng cơ quan có thẩm quyền, thực hiện không đúng quy trình kiến nghị theo quy định của pháp luật. Vậy đằng sau câu chuyện kiến nghị của nhà thầu “đi lạc” này là gì?
Việc chủ đầu tư cố tình “ỉm” đơn kiến nghị với lý do không nhận được đơn khiến nhà thầu phải đồng thời gửi đơn tới nhiều nơi để tạo sức ép dư luận buộc chủ đầu tư phải xử lý
Việc chủ đầu tư cố tình “ỉm” đơn kiến nghị với lý do không nhận được đơn khiến nhà thầu phải đồng thời gửi đơn tới nhiều nơi để tạo sức ép dư luận buộc chủ đầu tư phải xử lý

Tổng hợp báo cáo công tác đấu thầu của nhiều bộ, ngành, địa phương năm 2018 cho thấy, phần lớn các đơn vị báo cáo rất sơ sài và chung chung đối với phần nội dung công tác giải quyết kiến nghị và xử lý vi phạm về đấu thầu. Có những địa phương chỉ báo cáo rất ngắn gọn: “Năm 2018 tỉnh không ban hành văn bản xử lý kiến nghị trong đấu thầu” (không rõ là có đơn kiến nghị của nhà thầu hay không, vì sao không ban hành văn bản xử lý kiến nghị); “công tác kiến nghị và xử lý vi phạm trong đấu thầu được các đơn vị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”…

Bên cạnh đó, trong nội dung báo cáo công tác đấu thầu có một số địa phương  đề cập câu chuyện kiến nghị của nhà thầu “đến không đúng địa chỉ”. Chẳng hạn, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bắc Kạn cho biết, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh này phát sinh 4 đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại liên quan đến kết quả lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, phần lớn các nhà thầu gửi nội dung kiến nghị không đúng địa chỉ, không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định, gửi đơn kiến nghị tới nhiều cơ quan, đơn vị; thực hiện không đúng quy trình kiến nghị theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (nay là Cục Quản lý đấu thầu) thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, việc nhà thầu gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan không có chức năng giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, kiến nghị đấu thầu vượt cấp có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do nhà thầu không nắm vững quy định pháp luật về đấu thầu nên có thể nôn nóng trong quá trình kiến nghị, gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan, đơn vị, thậm chí có đơn vị chẳng hề có chức năng liên quan để giải quyết vụ việc của nhà thầu. Nguyên nhân thứ hai là do chủ đầu tư/bên mời thầu - cấp trực tiếp có trách nhiệm giải quyết kiến nghị của nhà thầu đã không làm tròn “vai”, không xử lý một cách thỏa đáng, gây mất niềm tin của nhà thầu nên mỗi khi thấy quyền, lợi ích của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu đã gửi đơn kiến nghị đồng thời đến nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều cơ quan, ban ngành để phản ánh sự việc.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho biết, việc gửi đồng thời đơn kiến nghị tới nhiều cơ quan chức năng để phản ánh “sự bất bình” trong đấu thầu, đặc biệt là gửi tới các cơ quan báo chí, là “kinh nghiệm” của nhà thầu trong việc tạo áp lực dư luận để buộc chủ đầu tư/bên mời thầu phải giải quyết kiến nghị của nhà thầu. Xuất phát từ thực tế nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu cố tình “ỉm” đơn kiến nghị của nhà thầu với các lý do không nhận được đơn kiến nghị, nhận được đơn kiến nghị muộn so với thời hạn quy định nên không giải quyết. Vì thế, theo các nhà thầu, việc gửi nội dung kiến nghị tới nhiều cơ quan sẽ hỗ trợ tiếng nói “kêu cứu” của nhà thầu khi bị các chủ đầu tư/bên mời thầu đối xử bất bình đẳng.

Đơn cử, đại diện Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng SG cho biết, sau khi mua hồ sơ mời thầu (HSMT), không ít lần nhà thầu này phát hiện trong HSMT cài cắm điều kiện để loại Nhà thầu. Nhà thầu này đã nhiều lần đề xuất chỉnh sửa, bổ sung HSMT nhưng chủ đầu tư/bên mời thầu hoặc làm ngơ với kiến nghị  của Nhà thầu hoặc chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ một cách chiếu lệ. Có lần Nhà thầu kiến nghị với một chủ đầu tư ở Hà Nội nhưng chủ đầu tư này tìm cách lẩn tránh trách nhiệm giải quyết với lý do nhận được đơn kiến nghị  muộn; trong khi đó, Nhà thầu cũng gửi song song kiến nghị đó tới Sở KH&ĐT Hà Nội thì đơn vị này nhận được đúng hạn.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, đằng sau câu chuyện đơn kiến nghị của nhà thầu “đi lạc” có nguyên nhân chính là chủ đầu tư/bên mời thầu giải quyết không thấu đáo các kiến nghị của nhà thầu, hoặc tìm cách né tránh nhiệm vụ phải giải quyết kiến nghị, hoặc trả lời kiến nghị một cách qua loa, chiếu lệ. Điều này khiến các nhà thầu không “tâm phục khẩu phục”, lo sợ bị ảnh hưởng quyền lợi và mất hết lòng tin vào cấp trực tiếp giải quyết kiến nghị, gây nên tình trạng kiến nghị vượt cấp và kéo dài.

Chuyên đề