Triển khai cam kết mua sắm công trong TPP

(BĐT) - Dự kiến, ngày 14/6 tới đây, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo: “Kế hoạch triển khai cam kết mua sắm chính phủ (MSCP) trong Hiệp định TPP”
Tham gia TPP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường mua sắm chính phủ rộng lớn, nhưng cũng không ít thách thức. Ảnh: Tiên Giang
Tham gia TPP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường mua sắm chính phủ rộng lớn, nhưng cũng không ít thách thức. Ảnh: Tiên Giang

Mục đích của Hội thảo là nhằm triển khai kịp thời và có hiệu quả cam kết MSCP trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam tham gia.

Hội thảo sẽ tập trung giới thiệu cam kết MSCP trong TPP; so sánh những khác biệt chính giữa TPP và pháp luật về đấu thầu của Việt Nam; đề xuất lộ trình triển khai cam kết MSCP.

Cũng tại Hội thảo này, dự kiến, một số chuyên gia sẽ có tham luận chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong triển khai cam kết MSCP…

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, TPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mức độ cam kết sâu, chặt chẽ với nhiều nội dung về: sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, MSCP… Đối với hoạt động MSCP, khi tham gia Hiệp định này, phía doanh nghiệp Việt Nam sẽ có rất nhiều thách thức, song cũng có không ít cơ hội khi được tiếp cận một thị trường mua sắm rộng lớn, từ đó giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao sức cạnh tranh.

Theo một chuyên gia đấu thầu, việc Việt Nam tham gia TPP được đánh giá là có tác động lớn đối với thị trường MSCP tại nước ta. Trong đó, đáng chú ý là Việt Nam đã đàm phán được lộ trình tương đối dài, mở cửa từ từ, bắt đầu từ những gói thầu có giá trị rất lớn, có thời gian quá độ để ưu tiên hàng hóa, nhà thầu trong nước. Tuy nhiên, về lâu dài, khi thời kỳ chuyển đổi đã qua, nếu nhà thầu Việt Nam vẫn ì ạch, không chịu vươn lên, vẫn chờ đợi vào “quan hệ”, “dựa dẫm” thì thách thức là rất lớn.   

Chuyên đề