TP.HCM: Ưu tiên đấu thầu dịch vụ VSMT

(BĐT) - Từ năm 2018, TP.HCM sẽ quyết liệt thực hiện đấu thầu dịch vụ vệ sinh môi trường thay vì đặt hàng, giao kế hoạch. Việc chuyển từ cơ chế đặt hàng sang đấu thầu cung ứng dịch vụ công ích được đánh giá là một bước tiến quan trọng để đưa loại dịch vụ này ra thị trường, minh bạch hóa nguồn vốn và hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ công ích.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Vẫn chủ yếu đặt hàng, giao kế hoạch

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, vệ sinh môi trường của Thành phố hiện đang bị xuống cấp, chất lượng nguồn nước bị suy giảm, không khí đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm, đa dạng sinh học bị đe dọa, điều kiện vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch ở nhiều nơi không đảm bảo. Bên cạnh đó, chất thải sinh hoạt không được phân loại tại nguồn làm tăng chi phí xử lý do phải phân loại tại nhà máy; các sản phẩm tái chế chưa có chính sách hỗ trợ tiêu thụ, hỗ trợ giá nên rất khó khăn ở đầu ra khi phải cạnh tranh với các sản phẩm truyền thống.

TP.HCM hiện có rất nhiều loại rác và tùy loại rác khác nhau sẽ có những giải pháp xử lý phù hợp. Cụ thể, với rác thải sinh hoạt, Thành phố tiếp nhận và xử lý khoảng 8.800 tấn/ngày, chất thải công nghiệp khoảng 1.600 tấn/ngày, chất thải nguy hại 430 tấn/ngày, chất thải rắn y tế 22 tấn/ngày và bùn thải khoảng 2.700 - 3.700 m3/ngày.

Trong đó, rác thải sinh hoạt và bùn thải được xử lý phần lớn bằng biện pháp chôn lấp tại Khu liên hiệp Xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh; số ít được tái chế thành phân compost tại Khu liên hiệp Xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép cho 12 cơ sở trên địa bàn Thành phố đủ điều kiện tiếp nhận và xử lý các loại chất thải khác. Với chất thải y tế, UBND Thành phố đã giao Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM chịu trách nhiệm thu gom và xử lý tại công trường xử lý chất thải Đông Thạnh.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, do chưa áp dụng đấu thầu rộng rãi các dịch vụ vệ sinh môi trường, mà mới chủ yếu đặt hàng, giao kế hoạch, nên việc xác định định mức đơn giá cho công tác xử lý chất thải rắn vẫn chưa sát với tình hình thực tế, tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp, người lao động. 

Đấu thầu nâng cao chất lượng dịch vụ

Thực tế hiện nay, chất lượng môi trường đô thị phụ thuộc vào hoạt động và chất lượng của các nhà thầu chuyên cung cấp dịch vụ môi trường đô thị. Do đó, đấu thầu cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích là một hoạt động rất quan trọng và cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư và chất lượng của dịch vụ. Chính vì vậy, động thái ưu tiên thực hiện đấu thầu cung cấp các dịch vụ vệ sinh môi trường của TP.HCM đang nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhà thầu và người dân.

Chia sẻ về việc thực hiện đấu thầu vệ sinh môi trường tại TP.HCM hiện nay, một số nhà thầu cho rằng, đấu thầu theo từng năm khiến các gói thầu chưa thực sự có sức hấp dẫn do nhà thầu không thấy được lợi ích cũng như trách nhiệm lâu dài. Hơn nữa, trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, nếu thời gian thực hiện gói thầu quá ngắn thì nhà thầu cũng không mạnh dạn đầu tư thiết bị chuyên dụng. Chính vì vậy, nhiều nhà thầu đề nghị kéo dài thời gian hợp đồng đấu thầu từ 3 - 5 năm thay vì 1 năm như hiện nay cho các dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác.

Ngoài ra, hiện nay, dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn Thành phố không có mức giá chuẩn để các nhà đầu tư căn cứ xây dựng đơn giá. Vì vậy, các nhà thầu mong muốn đơn giá dịch vụ vệ sinh môi trường sẽ tính đúng, tính đủ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động trực tiếp.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng, TP.HCM đang chuẩn bị các bước để trong quý I/2018 có thể tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện. Đây là công nghệ mới đã được nhiều nước phát triển áp dụng. Tại TP.HCM, hiện có tới 40 nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm đến lĩnh vực xử lý chất thải đã đăng ký tham gia.

Chuyên đề