Tiền Giang: Hàng loạt sai phạm trong đấu thầu bị phanh phui (Kỳ 1)

(BĐT) - Những chiêu bài lách luật trong công tác đấu thầu tại tỉnh Tiền Giang thời gian qua, đặc biệt ở hai lĩnh vực “béo bở” là xây dựng cơ bản và thuốc chữa bệnh, đã bị Thanh tra Chính phủ phanh phui và đưa ra ánh sáng.
Việc chủ đầu tư cố tình tách nhỏ gói thầu để chỉ định thầu là trái quy định. Ảnh: Nhã Chi
Việc chủ đầu tư cố tình tách nhỏ gói thầu để chỉ định thầu là trái quy định. Ảnh: Nhã Chi

Ngày 30/12/2015, Thanh tra Chính phủ đã ra Thông báo kết luận thanh tra về trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trong việc thực hiện pháp luật về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Từ đây, nhiều sai phạm đã bị vạch trần. 

Việc “ban phát” dự án cho các nhà thầu thông qua “chiêu” tách nhỏ dự án của các chủ đầu tư đã không qua mặt được các cơ quan chức năng.

Thích là cứ... chỉ định thầu

Dự án Đường liên xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có tổng mức đầu tư là 13,715 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã tách nhỏ dự án thành 3 gói thầu, trong đó có 2 gói chỉ định thầu và 1 gói đấu thầu.

Tại Quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật số 2528/QĐ-UBND ngày 24/10/2012, UBND huyện Gò Công Đông đưa ra yêu cầu rất hùng hồn: “Thời gian khởi công và hoàn thành công trình là 2 năm, kể từ ngày khởi công”. Khi bị “sờ gáy”, chủ đầu tư biện minh rằng, đây là công trình khẩn cấp để phòng chống lụt bão và sơ tán dân nên phải tách ra để chỉ định thầu. Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dự án này không thuộc điều kiện quy định tại Điểm e, Khoản 3, Điều 40, Nghị định 85/2009/NĐ-CP: “Gói thầu chỉ định thầu phải có thời gian thực hiện hợp đồng không quá 18 tháng”. Mặt khác, đây là dự án đường liên xã, công trình này không thuộc loại công trình phải chỉ định thầu vì có sự cố bất khả kháng quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 20, Luật Đấu thầu 2005: “Trong các trường hợp có sự cố bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần khắc phục ngay thì chủ đầu tư hoặc cơ quan chịu trách nhiệm quản lý công trình, tài sản đó được chỉ định ngay nhà thầu để thực hiện”, Thanh tra Chính phủ trích dẫn.

Chưa hết, trong năm 2013, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn có 5 công trình xây lắp khác có giá trên 5 tỷ đồng cho mỗi dự án. Thế nhưng, bất chấp tất cả, các chủ đầu tư đã chia các công trình này ra thành các gói thầu nhỏ để chỉ định thầu.

Xung quanh vấn đề này, ngày 18/7/2014, Bộ Tài chính cũng đã có Kết luận thanh tra số 9896/BTC-TTr, trong đó đã chỉ rõ việc chia tách 5 công trình nêu trên ra thành các gói nhỏ là trái quy định. 

“Sai lại hoàn sai”

Ngoài việc tự ý tách nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện tại Tiền Giang có một số gói thầu có giá trị lớn hơn 5 tỷ đồng chỉ định thầu không đúng quy định. Đơn cử như gói thầu đường vào làng nghề An Cư ở huyện Cái Bè, giá trị 5,785 tỷ đồng.

Theo giải trình của UBND huyện Cái Bè, hồ sơ ban đầu của gói thầu trên có giá trị 2,913 tỷ đồng nên được phép chỉ định thầu. Sau đó, do phát sinh thêm 2,611 tỷ đồng nên UBND huyện Cái Bè đã duyệt lại Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng với giá trị chi phí xây dựng 5,785 tỷ đồng, nhưng vẫn giữ nguyên quyết định chỉ định thầu.

Ngoài những sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện trong các hồ sơ chỉ định thầu ở tỉnh Tiền Giang thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều sai sót, chưa minh bạch.

Điển hình nhất là tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang với gói thầu chỉ định thầu xây dựng công trình các tuyến ống chuyển tải cấp nước các xã Kiểng Phước, Bình Ân, huyện Gò Công Đông và gói thầu công trình biển Gò Công đoạn từ K7+187 – K7+287.

Cụ thể, hồ sơ yêu cầu (HSYC) không thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-BKH ngày 1/2/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập HSYC chỉ định thầu xây lắp. Trong đó, không nêu rõ số năm báo cáo, thời gian báo cáo về năng lực tài chính của nhà thầu. Đặc biệt, không nêu rõ tiến độ và không thống kê chi tiết các yêu cầu về bản vẽ thi công.

Ngoài ra, hồ sơ đề xuất (HSĐX) của nhà thầu thiếu các tài liệu theo yêu cầu của HSYC, cụ thể: HSĐX đều không có biên bản kiểm tra quyết toán thuế của đơn vị; không có văn bản xác nhận của cơ quan quản lý thuế trong các năm gần nhất theo yêu cầu. Điển hình tại thị xã Gò Công: Dự án Đường Tân Đông - Cầu Bà Trà, Dự án Kênh Gò Xoài; một số dự án tại huyện Cái Bè và đặc biệt là các dự án tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như đã đề cập ở trên.

Chuyên đề