“Thượng phương bảo kiếm” xử “tội” bất chấp

(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 47/CT-TTg chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. 
“Thượng phương bảo kiếm” xử “tội” bất chấp

Chỉ thị được hi vọng là “thượng phương bảo kiếm” xử lý những chủ đầu tư/bên mời thầu bất chấp mọi quy định để cản trở sự tham dự thầu chính đáng của nhà thầu.

Theo tinh thần của Chỉ thị 47/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo công khai, minh bạch toàn bộ quá trình phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT)/hồ sơ yêu cầu (HSYC), tiếp nhận hồ sơ dự thầu (HSDT)/hồ sơ đề xuất (HSĐX); nghiêm cấm mọi hành vi cản trở nhà thầu trong việc mua HSMT/HSYC và nộp HSDT/HSĐX; quán triệt và tập trung chỉ đạo chấn chỉnh ngay công tác đấu thầu bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả cao nhất.

Điều đáng lưu ý, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, bên mời thầu chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng nhà thầu bị cản trở không thể tiếp cận thông tin đấu thầu, không mua được HSMT/HSYC với lý do không có cán bộ trực bán, không có đủ HSMT/HSYC cần phải chụp HSMT/HSYC… hoặc bị cản trở nộp HSDT/HSĐX. Như vậy, Chỉ thị đã quy trách nhiệm về một đầu mối rõ ràng, tránh tình trạng nhà thầu bị “lùa bở hơi tai” chạy đi chạy lại giữa hai địa chỉ tư vấn mời thầu và chủ đầu tư mà vẫn không mua được HSMT. Với chỉ thị này, nhà thầu cũng hi vọng không còn phải nghe những điệp khúc “chờ tư vấn chuyển HSMT, chờ tư vấn hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ”. Chuyện rút ruột HSMT, ăn bớt thời gian chuẩn bị HSDT của nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu cũng được kỳ vọng giảm bớt.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ được ban hành ngày 27/12/2017, ngay sau đó niềm tin của nhà thầu được củng cố mạnh mẽ trước động thái quyết liệt này của người đứng đầu Chính phủ. Thế nhưng, chỉ trong 3 ngày làm việc đầu năm 2018, đường dây nóng của Báo Đấu thầu tiếp nhận liên tiếp những phản ánh của nhà thầu về khó khăn, bị cản trở khi mua HSMT. Những phản ánh này đã và đang được Báo Đấu thầu thẩm định, đăng tải kịp thời. Chẳng hạn, ngay giữa Thủ đô Hà Nội, một ban quản lý dự án chuyên nghiệp như Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội đã bị nhà thầu tố cản trở việc tiếp cận HSMT. Rồi tại thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), Cần Thơ, Hậu Giang…, rất dễ dàng gặp những bên mời thầu/chủ đầu tư đang “mũ ni tai che” với dư luận, bất chấp luật pháp khi từ chối quyền lợi hợp pháp của nhà thầu trong việc mua HSMT. Một nhà thầu tại Kiên Giang thậm chí đã phải thốt lên: “Bây giờ có nhiều chủ đầu tư đáng sợ đến mức phải đợi nhà thầu có văn bản kiến nghị, phản ánh lên người có thẩm quyền mới chịu bán HSMT”.

Chỉ thị số 47/CT-TTg chắc chắn sẽ có tác động rất lớn theo hướng tích cực, đem lại một môi trường cạnh tranh, bình đẳng và công khai cho công tác đấu thầu trong thời gian tới. Chỉ thị này cũng sẽ buộc các chủ đầu tư/bên mời thầu thực sự phải chấn chỉnh lại cách làm việc, các hành xử lâu nay với nhà thầu trong khâu đầu tiên - quá trình công bố thông tin, phát hành HSMT/HSYC.

Một chuyên gia về đấu thầu nhận định, năm 2018 dự báo công tác đấu thầu sẽ được chấn chỉnh rất lớn bởi tinh thần của Chỉ thị 47/CT-TTg thực sự quyết liệt, cụ thể và quy định rõ trách nhiệm khi tổ chức lựa chọn nhà thầu. Điều này cho thấy những phản ánh liên tục, dày đặc về tình trạng cản trở nhà thầu tiếp cận HSMT trong thời gian qua trên Báo Đấu thầu thực sự đã có tác dụng lan tỏa, buộc các cơ quan quản lý phải lưu ý, từ đó đưa ra giải pháp căn cơ hơn để xử lý triệt để, không dẫn đến tình trạng làm méo mó môi trường cạnh tranh trong đấu thầu.  

Chuyên đề