Thiếu quy định về đầu tư xã hội hóa

(BĐT) - Việc thiếu vắng những quy định liên quan đến quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư/đối tác tư nhân trong các dự án xã hội hóa (XHH) dẫn đến chưa tạo dựng được một thị trường cạnh tranh, minh bạch và còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy. 
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xác định rõ phạm vi và định hướng quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa. Ảnh: Nhã Chi
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xác định rõ phạm vi và định hướng quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa. Ảnh: Nhã Chi

Trong báo cáo vừa trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đề xuất phạm vi và định hướng về lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực XHH thời gian tới.

Thiếu quy định về đấu thầu lựa chọn đối tác tư nhân

Hiện nay, các dự án xã hội hóa được thực hiện theo quy định tại Nghị định 69/2008/NĐ-CP, 59/2014/NĐ-CP quy định về XHH trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, thể thao, văn hoá, môi trường, giám định tư pháp. Về mô hình tổng thể, XHH khuyến khích khối tư nhân đăng ký và thực hiện dự án đầu tư; doanh nghiệp công ích (hoạt động theo Luật Doanh nghiệp) huy động vốn, liên doanh liên kết thực hiện dự án đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập vay vốn, huy động vốn và liên doanh, liên kết để thực hiện dự án đầu tư.          

Nghị định 69/2008/NĐ-CP và 59/2014/NĐ-CP chủ yếu quy định về ưu đãi trong thuê đất, thuê cơ sở vật chất, các loại thuế và lệ phí, hỗ trợ về mặt bằng và tiếp cận tín dụng có chi phí vốn thấp với mục tiêu thúc đẩy việc hình thành các cơ sở mới, tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ của cả khu vực công và khu vực tư. Quy trình lựa chọn nhà đầu tư trong các lĩnh vực XHH chưa được hướng dẫn cụ thể tại các nghị định này. Nghị định 59/2014/NĐ-CP quy định: Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên cùng đăng ký lựa chọn một địa điểm để thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực XHH thì thực hiện chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu để lựa chọn dự án đáp ứng cao nhất các tiêu chí về quy mô, chất lượng, hiệu quả.

Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, trên thực tế, trường hợp dự án XHH không thực hiện theo quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) triển khai trên một khu đất có hai nhà đầu tư trở lên quan tâm, không có thủ tục lựa chọn.

Do tính đa dạng của các hoạt động XHH, việc áp dụng quy trình đấu thầu còn lúng túng. Bên cạnh mô hình đầu tư ngoài công lập thực hiện theo quy định về đầu tư hiện hành, mô hình liên doanh, liên kết hầu như chưa có thủ tục để thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch. XHH bao hàm nhiều hoạt động, trong đó có những hình thức không áp dụng quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như trường hợp cơ sở sự nghiệp công lập tự vay vốn hoặc huy động vốn để đầu tư dự án.

Ngoài ra, trong hầu hết các trường hợp, cơ sở thực hiện XHH đều mong muốn triển khai nhanh các dịch vụ XHH, đồng thời việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án XHH cũng chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, nên các cơ sở thực hiện XHH thường tự lựa chọn đối tác/nhà đầu tư tư nhân. 

Cần đấu thầu để minh bạch

Để có căn cứ đề xuất về phạm vi lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa phù hợp với Luật Đấu thầu, cần thiết phải phân định rõ phạm vi đầu tư xã hội hóa và PPP.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xác định rõ phạm vi và định hướng quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực XHH, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về đấu thầu.

Theo Bộ KH&ĐT, cùng với các chính sách XHH, hiện tồn tại hình thức đầu tư PPP có cùng mục đích và một số điểm tương đồng. Để có căn cứ đề xuất về phạm vi lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực XHH phù hợp với Luật Đấu thầu, cần thiết phải phân định rõ phạm vi đầu tư XHH và PPP. Dự án quy mô nhỏ với thời gian thu hồi vốn ngắn là phù hợp với các quy định XHH. Dự án quy mô lớn, thời gian thu hồi vốn dài hơn, cần mức độ cam kết, đồng hành từ phía Nhà nước nhiều hơn sẽ thực hiện theo quy định về PPP.

Từ đó, Bộ KH&ĐT đề xuất, quy trình lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực XHH cần được xem xét, hợp lý hoá ở cả hai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư PPP và nhà đầu tư dự án có sử dụng đất. Có thể lồng ghép các thủ tục trong quá trình nghiên cứu dự án đầu tư và quá trình lựa chọn nhà đầu tư để tiết kiệm thời gian. Những tiêu chí lựa chọn chuyên biệt theo ngành cần được quy định tại Thông tư hướng dẫn của các Bộ.

Cụ thể, Bộ KH&ĐT kiến nghị xác định phạm vi và định hướng các dự án thực hiện XHH phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư gồm: Dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, thể thao, văn hoá, môi trường, bao gồm cả những dự án cung cấp dịch vụ công được chi trả bằng vốn nhà nước, tiêu chí lựa chọn là hiệu quả sử dụng vốn nhà nước cao nhất; dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, thể thao, văn hoá, môi trường có sử dụng đất có từ hai nhà đầu tư quan tâm trở lên, tiêu chí lựa chọn là hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất.

Được biết, để đồng bộ hóa với kiến nghị sửa đổi về chính sách XHH, Bộ KH&ĐT cũng dự kiến sửa đổi phạm vi điều chỉnh của Nghị định 30/2015/NĐ-CP theo hướng bổ sung thêm dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Luật Đấu thầu bao gồm cả dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp thực hiện trên khu đất, quỹ đất thuộc quyền quản lý của UBND cấp tỉnh, cấp huyện hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trong trường hợp thực hiện liên doanh, liên kết.

Chuyên đề