Thi công 8 tháng mới chọn được tư vấn giám sát

(BĐT) - Mặc dù nhà thầu trúng thầu Gói thầu số 09 Thi công đê chắn sóng thuộc Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận (giai đoạn 1) đã thi công công trình từ tháng 12/2016, nhưng sau 8 tháng, Ban Quản lý dự án (BQLDA) thủy sản Bình Thuận mới chọn được nhà thầu tư vấn giám sát.
Công trình đê chắn sóng của Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý. Ảnh: Đức Thâu
Công trình đê chắn sóng của Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý. Ảnh: Đức Thâu

Lận đận chọn giám sát

Gói thầu số 09 Thi công đê chắn sóng của Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận (giai đoạn 1) được mời thầu rộng rãi từ ngày 25/10/2016 đến ngày 14/11/2016. Đến ngày 6/12/2016, tại Quyết định phê duyệt số 2288/QĐ-SNN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bình Thuận đã chọn Công ty CP Xây lắp Thành An 96 là nhà thầu trúng thầu Gói thầu số 09 với giá trúng thầu 445,441 triệu đồng (giá gói thầu là 450.659 triệu đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu khoảng 1%); thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng.

Một cán bộ của BQLDA cho biết, trong tháng 12/2016, nhà thầu trúng thầu đã ký hợp đồng và thi công gói thầu trên.

Theo nội dung thông báo mời thầu đăng tải trên Báo Đấu thầu, Gói thầu số 05 Tư vấn giám sát thi công xây lắp Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận (giai đoạn 1) được phát hành hồ sơ mời thầu rộng rãi từ ngày 29/11/2016 đến ngày 19/12/2016, phương thức lựa chọn nhà thầu là 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Tuy nhiên, trên Báo Đấu thầu phát hành ngày 3/2/2017, BQLDA thủy sản Bình Thuận đã thông báo không có nhà thầu trúng thầu Gói thầu số 05. Sau đó, từ ngày 11/3/2017 đến ngày 31/3/2017, BQLDA thủy sản Bình Thuận đã tiến hành mời thầu lại gói thầu trên. Và đến tận ngày 12/7/2017, Sở NN&PTNT Bình Thuận mới có Quyết định số 828/QĐ-SNN phê duyệt nhà thầu trúng Gói thầu số 05 là Liên danh Viện Đào tạo và Khoa học ứng dụng Miền Trung - Viện Kỹ thuật Công Binh với giá trúng thầu 4.180 triệu đồng (giá gói thầu là 4.522 triệu đồng, chênh lệch giảm 342 triệu đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 7%).

Như vậy, sau 8 tháng kể từ khi Công ty CP Xây lắp Thành An 96 trúng thầu và thi công công trình hơn 445 tỷ đồng thì Bên mời thầu mới chọn được đơn vị tư vấn giám sát để thực hiện giám sát công trình. Điều mà dư luận băn khoăn là trong thời gian chưa chọn được tư vấn giám sát, chất lượng công trình hàng trăm tỷ có được bảo đảm? 

Ban Quản lý dự án thủy sản Bình Thuận nói gì?

Sáng 23/4/2018, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Thái Đức Hùng Anh - Giám đốc BQLDA thủy sản Bình Thuận (nay là Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT Bình Thuận) cho biết, việc không chọn được nhà thầu tư vấn giám sát cho công trình là việc xảy ra ngoài dự đoán. Ban đã tiến hành mở thầu với đủ số lượng nhà thầu tham gia, nhưng quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu thì không có nhà thầu nào đáp ứng được yêu cầu đề ra. Sau đó, Ban đã tiến hành chỉnh sửa một số nội dung hồ sơ mời thầu cho phù hợp và mời thầu lại trong tháng 3/2017.

Trong thời gian chờ để tìm đơn vị tư vấn giám sát, Sở NN&PTNT Bình Thuận đã có văn bản giao BQLDA thủy sản Bình Thuận thực hiện nhiệm vụ của đơn vị tư vấn giám sát.

Trả lời băn khoăn liệu năng lực của BQLDA có đủ để thực hiện nhiệm vụ của tư vấn giám sát công trình hàng trăm tỷ đồng này hay không, ông Hùng Anh cho biết, Ban chỉ thừa hành nhiệm vụ được Sở NN&PTNT Bình Thuận giao nên không bình luận về vấn đề này.

Ông Hùng Anh cũng cho biết, sau khi được giao nhiệm vụ làm đơn vị tư vấn giám sát công trình, ông đã cử 3 cán bộ (trong tổng số 11 cán bộ) của Ban thực hiện nhiệm vụ tư vấn giám sát.

Bình luận về câu chuyện này, TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, khi bên mời thầu đứng ra làm nhiệm vụ của đơn vị tư vấn giám sát thì phải đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn và có năng lực của một đơn vị tư vấn giám sát tương ứng với quy mô hàng trăm tỷ đồng của gói thầu (số lượng nhân sự được cắt cử, giao trách nhiệm phải có đủ chứng chỉ và kinh nghiệm về tư vấn giám sát, về quản lý dự án, có nghiệp vụ đấu thầu…). Việc thẩm định năng lực, kinh nghiệm của đơn vị “đóng thế” này cần phải được các cơ quan chức năng cân nhắc, lựa chọn một cách kỹ lưỡng, đầy đủ, tránh chỉ định tù mù khiến chất lượng công trình dễ rơi vào tình trạng “đem con bỏ chợ”, nhất là những công trình có địa hình thi công đặc biệt, xa xôi, ít có sự giám sát của xã hội.

Chuyên đề