Sự cố tại Thủy điện Sông Bung 2: Nhà thầu nào liên đới?

(BĐT) - Sự cố công trình vỡ cống dẫn dòng tại Tổ phát điện số 2, Thủy điện Sông Bung 2 xảy ra chiều ngày 13/9/2016 gây thiệt hại một số thiết bị và mất tích 2 công nhân...
Thông tin ban đầu cho thấy phần công trình xảy ra sự cố liên quan đến 3 gói thầu số 32, 33, 40 và nhiều nhà thầu. Ảnh:baoquangnam.vn
Thông tin ban đầu cho thấy phần công trình xảy ra sự cố liên quan đến 3 gói thầu số 32, 33, 40 và nhiều nhà thầu. Ảnh:baoquangnam.vn

Theo tìm hiểu ban đầu của Báo Đấu thầu, phần công trình xảy ra sự cố liên quan đến nhiều gói thầu (gói thầu số 32, 33, 40) và các nhà thầu thực hiện như: Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng công ty Xây dựng Thủy Lợi 4, Công ty CP Cơ điện Miền Trung… 

Sự cố lại do… thời tiết

Nguyên nhân ban đầu được Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về sự cố này sáng ngày 14/9 là do ảnh hưởng của bão số 4 và áp thấp nhiệt đới từ ngày 11/9/2016. Nước lũ về hồ chứa với lưu lượng rất lớn, khoảng 560m3/s khiến xảy ra sự cố trên.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Huỳnh Tấn Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch thuộc Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sông Bung 2 tái khẳng định: “Nguyên nhân ban đầu là vì do ảnh hưởng của bão số 4 và áp thấp nhiệt đới khiến nước lũ về hồ chứa với lưu lượng lớn, quá sức chịu đựng của cửa van hầm nên đã xảy ra sự cố”. Khi phóng viên đề cập đến việc trong thiết kế đã tính đến khả năng này chưa để đảm bảo an toàn công trình, ông Huỳnh Tấn Hùng từ chối trả lời: “Tôi không biết, tôi không phải là dân kỹ thuật nên chịu không thể trả lời được…”.

Thông tin tại cuộc họp báo khẩn liên quan đến sự cố nêu trên, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Dự án Thủy điện Sông Bung 2 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, Bộ Công Thương quyết định đầu tư, vốn ngân sách nhà nước 100%. Chính quyền địa phương tỉnh Quảng Nam thực hiện việc quản lý địa bàn về đền bù đất đai, tài sản.

Đề cập những cảnh báo trước đó đối với Dự án Thủy điện Sông Bung 2 liên quan đến năng lực của một số nhà thầu và kinh nghiệm của Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sông Bung 2, trả lời câu hỏi “tỉnh Quảng Nam có nhận được cảnh báo này không?”, ông Huỳnh Khánh Toàn cho biết: “Quảng Nam chỉ quản lý thủy điện 30MW trở xuống, quá ngưỡng này là Bộ Công Thương. Việc tăng vốn cho Dự án (thêm trên 1.600 tỷ đồng - PV), địa phương không có thông tin. Tỉnh cũng không được mời tham gia thẩm định, không tham gia trong Hội đồng Nghiệm thu nhà nước nên không nghe được những thông tin cảnh báo trên”. 

3 gói thầu có liên quan

Sự cố có liên quan đến Gói thầu số 32 do Tổng công ty Xây dựng Thủy Lợi 4 thi công, Gói thầu số 33 do Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô đảm nhiệm, Gói thầu số 40 do Công ty CP Cơ điện Miền Trung thực hiện hầm nén dòng và liên quan đến cả phần thiết bị.
Thông tin về Dự án, ông Huỳnh Tấn Hùng cho biết: “Dự án gồm hơn 60 gói thầu. Sự cố công trình xảy ra thuộc phần công việc liên quan đến gói thầu số 32 và 33 thuộc Dự án, trong đó có phần công việc do nhà thầu Tổng công ty Thủy Lợi 4 thi công”.

Trước đó, có một số thông tin cho rằng, Tổng công ty Xây dựng Thủy Lợi 4 là nhà thầu thi công phần công việc xảy ra sự cố công trình. Phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với ông Phạm Hữu Lạc, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thủy Lợi 4. Ông Lạc khẳng định: “Ở Dự án Thủy điện Sông Bung 2 có nhiều gói thầu. Trong đó, chúng tôi chỉ làm mỗi hạng mục đập tràn… Phần xảy ra sự cố thuộc phần hầm dẫn dòng do nhà thầu khác thi công”.

Cuối ngày 14/9, người đứng đầu Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sông Bung 2 thông tin với Báo Đấu thầu: “Sự cố công trình có liên quan đến nhiều gói thầu và nhiều nhà thầu thực hiện nên phải chờ điều tra làm rõ mới có kết luận cuối cùng”. Vẫn theo vị này, sự cố có liên quan đến Gói thầu số 32 do Tổng công ty Xây dựng Thủy Lợi 4 thi công, Gói thầu số 33 do Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô đảm nhiệm, Gói thầu số 40 do Công ty CP Cơ điện Miền Trung thực hiện hầm nén dòng và liên quan đến cả phần thiết bị.

Ngày 14/9, trong công điện khẩn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình theo quy định, xác định trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn công trình.

Chuyên đề