Siết hành vi cài cắm trong đấu thầu

(BĐT) - Hành vi cài cắm các tiêu chí thiếu cạnh tranh, có tính “định hướng” đến một nhà thầu cụ thể khi tổ chức đấu thầu không những vi phạm Luật Đấu thầu mà còn vi phạm nghiêm trọng Luật Cạnh tranh. 
Luật Cạnh tranh của Việt Nam cấm tuyệt đối thỏa thuận thông thầu. Ảnh: Tường Lâm
Luật Cạnh tranh của Việt Nam cấm tuyệt đối thỏa thuận thông thầu. Ảnh: Tường Lâm

Bộ Công Thương cho biết, sẽ mở rộng đối tượng điều chỉnh trong Luật Cạnh tranh mới để hạn chế tình trạng các chủ đầu tư là cơ quan nhà nước soạn những hồ sơ mời thầu (HSMT) có hành vi này. 

Cài cắm tiêu chí thiếu cạnh tranh rất phổ biến

Bộ Công Thương cho biết, trong 10 năm qua, Cục Quản lý cạnh tranh trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của mình đã tiến hành điều tra tiền tố tụng đối với nhiều thị trường, nhiều ngành, lĩnh vực có vai trò quan trọng hoặc tính chất nhạy cảm trong nền kinh tế cũng như nhiều sự việc có dấu hiệu của hành vi hạn chế cạnh tranh. Trong giai đoạn 2010 - 2014, trung bình mỗi năm Cục Quản lý cạnh tranh thực hiện điều tra tiền tố tụng từ 10 đến 12 vụ việc liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh.

Thông qua quá trình điều tra, xử lý 8 vụ việc hạn chế cạnh tranh, với gần 70 doanh nghiệp bị điều tra, các cơ quan quản lý cạnh tranh đã ra quyết định xử lý, Bộ Công Thương đã thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền phạt và phí xử lý vụ việc cạnh tranh gần 5,5 tỷ đồng. Mặc dù trong các vụ việc này, ngoài hình thức phạt tiền, không có hình thức xử phạt bổ sung hoặc khắc phục hậu quả nào được áp dụng, nhưng Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh cũng đã đưa ra một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước về việc tuân thủ pháp luật cạnh tranh, tránh thực hiện các hành vi vi phạm tương tự trong tương lai.

Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh được chính đại diện Bộ này và các chuyên gia nhìn nhận, mới chỉ là bề nổi của tảng băng, chưa phản ánh hết được tình trạng vi phạm pháp luật cạnh tranh. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực đấu thầu, nhiều chuyên gia cho biết, hành vi vi phạm Luật Đấu thầu cũng như Luật Cạnh tranh từ phía các chủ đầu tư/bên mời thầu là cực kỳ phổ biến. “Các HSMT chứa đựng nội dung mang tính mệnh lệnh để chỉ định nhà thầu cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp là phổ biến. Những hành vi này can thiệp trực tiếp vào hoạt động cạnh tranh trên thị trường như đề cập có thể gây những tác động tiêu cực làm phương hại đến môi trường cạnh tranh, tạo ra sự phân biệt đối xử bất bình đẳng, làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp khác trên thị trường” - chuyên gia Trần Hoàng Ngân chia sẻ.

“Chúng tôi là nhà thầu nhưng có khi mua HSMT cũng thấy có những hành vi phân biệt đối xử với chính doanh nghiệp Việt Nam ở những gói thầu sử dụng ngân sách. Những tiêu chí thiếu cạnh tranh này được cài cắm công khai, trắng trợn, tước đoạt đi cơ hội cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp” - ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu.

Còn ông Nguyễn Anh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật và Dịch vụ thương mại Anh Đức – một nhà thầu đã phải khởi kiện chủ đầu tư vì cho rằng có hành vi cố tình tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong đấu thầu thì cho biết: “Có rất nhiều chiêu thức thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh trong đấu thầu. Có nhiều chủ đầu tư thì nói toẹt ra. Có nhiều chủ đầu tư thì cài cắm, gài bẫy, thậm chí viết HSMT rất tinh vi, nhà thầu phải mất nhiều công sức để chứng minh hành vi thiếu cạnh tranh đó”. 

Không dừng lại ở hành vi thông thầu

Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp điện Nha Trang Trần Xuân Hòe cho biết, trong quá trình tham gia đấu thầu, nhiều HSMT có nội dung thiếu cạnh tranh, có tính “định hướng” cho một nhà thầu rất rõ, nhà thầu kiến nghị nhưng chưa gặp trường hợp nào bị xử lý và “bêu tên”. “Đây là điều đáng buồn vì nếu nhà thầu vi phạm, sẽ bị phạt, bêu tên và cấm tham gia đấu thầu tùy mức độ vi phạm. Còn các chủ đầu tư, dù sai so với Luật Đấu thầu, Luật Cạnh tranh và nhiều quy định khác nhưng vẫn được giơ cao đánh khẽ” - ông Hòe thẳng thắn nhận xét.
Pháp luật cạnh tranh của nhiều nước trên thế giới quy định cấm mặc nhiên đối với 4 dạng hành vi thỏa thuận làm hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng bao gồm: thỏa thuận ấn định giá, thỏa thuận phân chia thị trường, thỏa thuận kiểm soát sản lượng và thỏa thuận thông thầu. Luật Cạnh tranh của Việt Nam cấm tuyệt đối với thỏa thuận thông thầu. “Điều này cho thấy, các nhà soạn thảo chính sách đã nhận ra, hành vi thỏa thuận thông thầu có tính chất nguy hại rất cao, phạm vi ảnh hưởng rất lớn, thậm chí tới toàn xã hội”, Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhận xét.

Tuy nhiên, nhiều quan ngại từ giới chuyên gia bày tỏ, nhận diện và phơi bày được thỏa thuận thông thầu là cực kỳ khó. “Thực tế cho thấy, chưa có thống kê cụ thể về số vụ thỏa thuận thông thầu được phát hiện mỗi năm là bao nhiêu. Nhưng chắc chắn, tỷ lệ này là rất thấp, và hoàn toàn không phản ánh hết thực trạng công tác đấu thầu hiện nay. Trong khi đó, các hành vi đưa ra các tiêu chí thiếu tính cạnh tranh, cố ý phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, cài cắm tiêu chí để ngầm chỉ định nhà thầu cung cấp rất dễ phát hiện trong các HSMT thì lại chưa được xử lý đúng mức, không đủ sức răn đe” - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM khẳng định.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Luật Cạnh tranh hiện chưa bao quát hết các đối tượng thuộc diện điều chỉnh. Ông Tuấn cho rằng: “Luật Cạnh tranh có vai trò tạo lập nền tảng cơ bản cho quá trình cạnh tranh và điều tiết hoạt động cạnh tranh, do đó, cần được áp dụng với mọi đối tượng liên quan tới cạnh tranh, bao gồm cả cơ quan nhà nước trong trường hợp có hành vi xâm hại cạnh tranh”. Đây được coi là hướng mở rộng đối tượng điều chỉnh cần thiết để hạn chế những hành vi cài cắm tiêu chí thiếu cạnh tranh trong đấu thầu từ các chủ đầu tư bên cạnh quy định của Luật Đấu thầu.

Chuyên đề