Sai sót tại dự án giảm nghèo phía Bắc

(BĐT) - Qua việc tiến hành hậu kiểm đấu thầu các gói thầu thuộc Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2 (sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới), mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra một số tồn tại, thiếu sót về quá trình đấu thầu, quản lý thực hiện hợp đồng tại dự án này.
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Internet)
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Internet)

Năng lực nhà thầu kê khai không khớp

Tại tỉnh Điện Biên, Tổ công tác Bộ KH&ĐT đã lựa chọn ngẫu nhiên 4 trong số 9 gói thầu thuộc Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2, các gói thầu này đều được ký hợp đồng thực hiện năm 2015, theo hình thức chào hàng cạnh tranh. Việc lựa chọn gói thầu hậu kiểm lần này dựa trên các tiêu chí: Tính chất gói thầu (gói thầu xây dựng, mua sắm hàng hóa, thiết bị, tư vấn xây dựng và tư vấn hướng dẫn viên cộng đồng); tập trung hậu kiểm các gói thầu do Ban Quản lý dự án huyện thực hiện.

Thực tiễn kiểm tra cho thấy, với hình thức đấu thầu là chào hàng cạnh tranh, các gói thầu trên đều nhận được từ 3-5 hồ sơ chào giá để tiến hành đánh giá, lựa chọn nhà thầu. Các nhà thầu trúng thầu nhìn chung đáp ứng được điều kiện của hồ sơ mời chào giá và có giá đánh giá thấp nhất. Hồ sơ mời chào giá, báo cáo đánh giá hồ sơ chào giá và hợp đồng cơ bản phù hợp với các mẫu hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, tại Gói thầu D.MC/SH.24 (xây lắp công trình đường dân sinh bản Mo Công xã Phìn Hồ, huyện Mường Chà (nay là huyện Nậm Pồ) đã có tình trạng ngày tháng năm đề trong Biên bản mở chào giá không khớp nhau. Đặc biệt là năng lực của nhà thầu kê khai không khớp với thông tin trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ngày đăng ký lần đầu là 29/9/2005, nhưng nhà thầu kê khai năm thành lập là 1973 và đã hoạt động xây dựng 41 năm).

Ở gói thầu này có xảy ra việc hồ sơ chào giá không đáp ứng năng lực về máy móc thiết bị theo yêu cầu của hồ sơ mời chào giá. Cụ thể, theo hồ sơ mời chào giá, máy móc thiết bị thi công chủ yếu để thực hiện hợp đồng phải có hóa đơn mua máy móc kèm theo. Tuy nhiên, hồ sơ chào giá của nhà thầu trúng thầu không đáp ứng yêu cầu này. Ngoài ra, thời gian lựa chọn nhà thầu của gói thầu này chậm hơn kế hoạch đấu thầu được phê duyệt (thời gian theo kế hoạch là quý IV/2014, thời gian thực hiện thực tế là quý I/2015).

Không có tên vẫn tham gia thực hiện gói thầu

Kết quả kiểm tra 14 gói thầu thuộc Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2 cho thấy, vấn đề phổ biến trong quản lý hợp đồng ở các gói thầu tại tỉnh Sơn La và Điện Biên là việc chậm trễ trong thanh toán, nguyên nhân chính là do không thực hiện tạm ứng hợp đồng dù hợp đồng có quy định.

Một hiện tượng khác được phát hiện tại Gói thầu LCS - 01/2014 SL (khảo sát, thiết kế và lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật các công trình đường giao thông, cầu tràn và cầu treo) trên địa bàn Sơn La là cử cán bộ không có tên trong hồ sơ chào giá (phần năng lực kỹ thuật) tham gia thực hiện Gói thầu. Cụ thể, ông Mai Văn Nam được cử làm Tổ trưởng Tổ khảo sát công trình Cầu tràn Nà Hạ xã Nà Ớt nhưng không có tên trong hồ sơ chào giá; ông Phạm Ngọc Ánh được cử làm cán bộ khảo sát công trình Cầu treo qua suối Nậm Bám, xã Mường Bán nhưng không có tên trong hồ sơ chào giá.

Tại Gói thầu SH01-2015/PY (làm mới đường đi từ trụ sở UBND xã đến bản Suối Kếnh, xã Kim Bon, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) thì xảy ra câu chuyện bảo lãnh thực hiện hợp đồng không theo mẫu của hồ sơ mời chào giá cạnh tranh; hình thức hợp đồng trong Biên bản thương thảo, hoàn thiện hợp đồng ghi “Hợp đồng theo đơn giá” là không rõ ràng và không theo quy định...

Chuyên đề