Phía sau chuyện trốn bán hồ sơ mời thầu

(BĐT) - Việc bên mời thầu “rao” nhưng không bán hồ sơ mời thầu (HSMT) hay nhà thầu lạc vào ma trận thông tin, tìm mãi vẫn không thấy người bán HSMT đang ngày càng trở nên phổ biến. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu nhưng ít khi các bên mời thầu bị xử lý kỷ luật. Vậy đằng sau câu chuyện trốn bán HSMT là gì?
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm

Quy trình bán HSMT nhiêu khê

Đường dây nóng của Báo Đấu thầu thường xuyên tiếp nhận thông tin phản ánh của nhà thầu về việc không mua được HSMT. Câu chuyện về những khó khăn khi đi mua HSMT của nhà thầu rất đa dạng nhưng đều có chung một kết cục: nhà thầu năm lần bảy lượt đến bên mời thầu, chờ đợi, thậm chí là “rình mò” để gặp người bán HSMT nhưng bất thành. Có rất nhiều lý do khiến nhà thầu không mua được HSMT: nhà thầu không được tự ý vào đơn vị bán HSMT vì lý do an ninh, phải có người dẫn vào; cán bộ bán HSMT đi vắng; chuyển địa điểm bán HSMT; không biết cán bộ bán HSMT là ai; hết HSMT; HSMT chưa ký và đóng dấu; nhà thầu muốn mua HSMT phải cung cấp hồ sơ năng lực… 

Mới đây, một nhà thầu liên tục phản ánh tới Báo Đấu thầu về việc không mua được HSMT Gói thầu 01 thuộc Dự án Cơ sở làm việc Công an huyện Cát Hải thuộc Công an TP. Hải Phòng. Địa điểm được thông báo phát hành HSMT là Đội xây dựng doanh trại, Phòng Hậu cần Công an TP. Hải Phòng, số 22 đường An Đà, Ngô Quyền, TP. Hải Phòng. Thời gian phát hành HSMT từ ngày 22/11 - 13/12/2019. Nhà thầu nhiều lần đến Công an TP. Hải Phòng để hỏi mua HSMT nhưng các cán bộ ở đây đều trả lời không biết, trong thông báo mời thầu không công khai số điện thoại liên hệ phát hành HSMT. Nhà thầu vào phòng Lãnh đạo Đội xây dựng doanh trại, Phòng Hậu cần Công an TP. Hải Phòng hỏi mua HSMT thì được trả lời “nhầm phòng”.

Ngày 5/12/2019, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Đạt - cán bộ được giao bán HSMT Gói thầu 01 thừa nhận, trong thời gian bán HSMT ông bận đi học vài hôm và ông không bàn giao việc bán HSMT cho ai. Ông Đạt thông tin, đơn vị của ông vừa sát nhập nên nhà thầu đến hỏi mua HSMT thì không mấy ai nắm được, ngay cả người đăng thông báo mời thầu lẫn Lãnh đạo Đội xây dựng doanh trại, Phòng Hậu cần Công an TP. Hải Phòng. Theo quy trình bán HSMT của đơn vị, nhà thầu phải đến bộ phận văn thư để được chỉ dẫn đến bộ phận tài chính nộp giấy giới thiệu, chứng minh thư, sau đó được cán bộ kế toán dẫn đến gặp 1 cán bộ khác ở mảng xây dựng để viết phiếu thu và thu tiền mua HSMT, xong rồi mới mang phiếu thu đó đến gặp ông Đạt để nhận HSMT.

Buông lỏng việc xử lý hành vi vi phạm

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Việt Hùng - chuyên gia về đấu thầu cho rằng, rõ ràng việc không bán HSMT trong bất cứ thời gian hành chính nào theo thông báo mời thầu là hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu, đi ngược lại tinh thần của Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT ngày 24/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu. Thế nhưng, hành vi vi phạm pháp luật đang ngày càng phổ biến này lại ít khi bị xử lý đến nơi đến chốn. Điều này cho thấy sự buông lỏng trong quản lý cũng như xử lý các hành vi vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu. Và một khi hành vi sai trái không bị xử lý thì đương nhiên sẽ tái diễn.

Còn luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, thực tế đấu thầu xảy ra không ít hành vi vi phạm, trong đó chuyện phổ biến là không bán HSMT cho nhà thầu. Tuy nhiên, con số tổ chức, cá nhân bị xử lý về hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu được tổng kết hàng năm thì rất ít. Điều này cũng cho thấy, thực tế xử lý hành vi vi phạm trong đấu thầu không nghiêm nên không tạo ra tính răn đe, không đẩy lùi được hành vi vi phạm; ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của các nhà thầu, làm giảm niềm tin của nhà thầu.    

Chuyên đề