Những thông báo khiến nhà thầu phải “đi hỏi cho ra nhẽ”

(BĐT) - Không ít nhà thầu khi nhận được thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) đã “kêu trời” vì không thể tự lý giải được hồ sơ dự thầu (HSDT)/hồ sơ đề xuất (HSĐX) của mình vi phạm điểm nào của hồ sơ mời thầu (HSMT)/hồ sơ yêu cầu (HSYC).
Những thông báo khiến nhà thầu phải “đi hỏi cho ra nhẽ”

Có nhà thầu đành “chấp nhận bỏ qua” những thông báo KQLCNT mang đầy hồ nghi khó giải tỏa để đi đấu thầu gói khác. Nhưng có rất nhiều nhà thầu đã phải mất công “đi hỏi cho ra nhẽ” tại sao mình không được lựa chọn, bởi thông báo KQLCNT quá ít thông tin, không có đầu mối để lý giải. Do đó, hành trình kiến nghị trong đấu thầu đôi khi chỉ xuất phát từ thông báo KQLCNT thiếu chuẩn mực.

Điều 20 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP đã hướng dẫn đầy đủ nội dung cần có của thông báo KQLCNT. Theo đó, thông báo KQLCNT bao gồm các nội dung như tên nhà thầu trúng thầu; giá trúng thầu; loại hợp đồng; thời gian thực hiện hợp đồng và danh sách nhà thầu không được lựa chọn cũng như tóm tắt về lý do không được lựa chọn của từng nhà thầu.

Hướng dẫn đã đầy đủ và chi tiết như vậy nhưng hiện nay, có khá nhiều thông báo KQLCNT với thông tin về các nhà thầu không được lựa chọn rất chung chung, sơ sài. Đa số các nhà thầu không được lựa chọn đều bị đánh đồng là “không đáp ứng HSMT”, hoặc “không đáp ứng tư cách  hợp lệ” hoặc “không đạt yêu cầu về năng lực kỹ thuật”, hay “không đạt yêu cầu về năng lực tài chính”…

Nhiều đơn kiến nghị về KQLCNT gửi đến Báo Đấu thầu có “nguồn cơn” từ những thông báo KQLCNT có thông tin quá nghèo nàn và chung chung như trên. Có hai hệ lụy cho hiện tượng trên mà rất nhiều đơn vị đang vướng khi tổ chức đấu thầu.

Một là, nhiều thông báo KQLCNT đã không tuân thủ đầy đủ quy định, khiến nhà thầu phản ứng.

Hai là, chủ đầu tư/bên mời thầu tự đặt mình vào thế khó, phải trả lời kiến nghị khi phát đi những thông báo hàm chứa ít thông tin mà nhà thầu đáng ra phải được biết. Thành ra, tại nhiều gói thầu, việc tổ chức mời thầu cũng như đánh giá HSDT hoàn toàn khách quan, đúng quy định, nhưng chỉ vì thông báo KQLCNT được chuẩn bị quá sơ sài nên bên mời thầu/chủ đầu tư và các cơ quan liên quan vẫn mất nhiều thời gian, công sức để trả lời kiến nghị của nhà thầu.

Bình luận về tình trạng nêu trên, một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, để đi đến giai đoạn công bố KQLCNT là cả một quá trình dài tập trung chuyên môn của đội ngũ chuyên gia đấu thầu của các chủ đầu tư và bên mời thầu. Do đó, với những chủ đầu tư, bên mời thầu chuyên nghiệp, thông báo KQLCNT có thể dài đến mấy trang giấy với đầy đủ thông tin cụ thể của từng nhà thầu không được lựa chọn. Tại những thông báo này, những điểm không đáp ứng HSMT của từng nhà thầu được tóm tắt rất rõ, chi tiết và có đối chiếu với từng trích dẫn của HSDT. Và khi tiếp nhận thông báo KQLCNT, đa số nhà thầu sẽ tâm phục khẩu phục hoặc nếu có kiến nghị cũng sẽ kiến nghị với từng nội dung chi tiết, không còn tình trạng kiến nghị kiểu “tại sao lại không được lựa chọn?” với nhiều nghi hoặc.

Thế nên, để giảm bớt tình trạng kiến nghị trong đấu thầu như hiện nay, vị chuyên gia nêu trên cho rằng, rất cần sự chuyên nghiệp, nghiêm túc cũng như tinh thần trách nhiệm của các chủ đầu tư/bên mời thầu khi xây dựng và công bố thông báo KQLCNT. Một bản thông báo KQLCNT không chỉ thể hiện độ am hiểu về đấu thầu của chủ đầu tư/ bên mời thầu, mà còn là thể hiện sự tôn trọng với tất cả nhà thầu đã tham gia dự thầu.

Chuyên đề