Những chuyển động chính sách đấu thầu năm 2019

(BĐT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản yêu cầu các Bộ liên quan hoàn thiện kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 
Bộ KH&ĐT vừa được giao nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực thi điều ước quốc tế về đấu thầu. Ảnh: Nhã Chi
Bộ KH&ĐT vừa được giao nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực thi điều ước quốc tế về đấu thầu. Ảnh: Nhã Chi

Đây được xem là những động thái tích cực tạo ra “cú hích” cho những chuyển động của chính sách đấu thầu trong năm 2019.

Hứa hẹn tháo “nút thắt” cho nhà đầu tư BT

Tại Nghị quyết, Chính phủ nêu rõ, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT được ký kết theo quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo nội dung hợp đồng BT đã ký kết, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan đang có hiệu lực tại thời điểm ký kết hợp đồng BT.

Đây có lẽ là thông tin mà nhiều nhà đầu tư BT đang chờ đợi bởi thời gian qua, hàng loạt dự án BT đang bị dừng trả quyền lợi đối ứng BT sau khi Bộ Tài chính có các văn bản đề nghị tạm đình chỉ việc thực hiện dùng quỹ đất công thanh toán các dự án BT, trực tiếp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư theo hình thức này. Nhiều nhà đầu tư BT đã bị rơi vào thế “mắc kẹt” vì việc chậm thanh toán quỹ đất đối ứng, gây phát sinh chi phí lãi vay, làm tăng tổng mức đầu tư và làm giảm tính hiệu quả đầu tư của dự án.

Cũng tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính có trách nhiệm hoàn thiện dự thảo Nghị định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT theo đúng Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 9/9/2018 của Chính phủ. 

Sẽ ban hành Nghị định thực hiện điều ước quốc tế về đấu thầu

Mới đây, tại Văn bản số 12477/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ về việc hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng “Luật sửa một số Luật để thực thi Hiệp định CPTPP” để trình Quốc hội cho phép thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2019. Đối với việc xây dựng các Nghị định hướng dẫn thực thi trong một số lĩnh vực về thương mại hàng hóa, mua sắm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực thi điều ước quốc tế về đấu thầu. Trong trường hợp không thể kịp ban hành Nghị định này trước thời điểm ngày 14/1/2019 (ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực), Bộ KH&ĐT hướng dẫn việc thực thi các cam kết trong lĩnh vực mua sắm của Chính phủ để áp dụng trong thời gian kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam cho đến khi Nghị định hướng dẫn thực thi các cam kết này được ban hành và có hiệu lực.

Bên cạnh đó, theo đại diện Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), trong năm 2019, cơ quan này cũng sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng Luật PPP và Nghị định hướng dẫn; hoàn thiện và trình Bộ trưởng Bộ KH&ĐT xem xét, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP; xây dựng Thông tư hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư; xây dựng Thông tư quy định chi tiết mẫu hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu phi tư vấn áp dụng phương thức đấu thầu 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ được tổ chức đấu thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; xây dựng Thông tư quy định chi tiết mẫu HSMT gói thầu tư vấn áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá và hỗn hợp được tổ chức đấu thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; xây dựng Thông tư thay thế Thông tư Liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC của Bộ Tài chính - Bộ KH&ĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng...

Chuyên đề