Nhà thầu Việt thay đổi để thích ứng

(BĐT) - Ngày càng có nhiều công trình tầm cỡ ghi dấu ấn và khẳng định sự trưởng thành của nhà thầu Việt về mặt công nghệ. 
Trong mua sắm chính phủ, nên có những hướng mở hơn khi đánh giá về năng lực, kinh nghiệm đối với nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với công nghệ mới. Ảnh: Thái Tôn Hạo
Trong mua sắm chính phủ, nên có những hướng mở hơn khi đánh giá về năng lực, kinh nghiệm đối với nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với công nghệ mới. Ảnh: Thái Tôn Hạo

Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thế giới thay đổi với tốc độ nhanh chóng từng ngày, cuộc đua của nhà thầu Việt sẽ đòi hỏi cần sự bứt phá hơn nữa, để thắng trên “sân nhà” và có thể vươn ra thị trường thế giới.

Tháng 3 vừa qua, tòa nhà Landmark 81 tại TP.HCM đã chính thức được cất nóc. Với chiều cao 461,2m, Landmark 81 vượt qua cả tòa tháp đôi ở Malaysia và trở thành một trong 10 tòa tháp cao nhất thế giới. Quá trình đấu thầu, Công ty CP Xây dựng Coteccons đã vượt qua các nhà thầu quốc tế để trở thành nhà thầu Việt thi công dự án có yêu cầu kỹ thuật cao, quy mô lớn này.

Năm 2017, Công ty CP Fecon trở thành đơn vị thi công Việt Nam được tham gia điều khiển robot đào hầm tại tuyến Metro 1 Bến Thành - Suối Tiên với sự dẫn dắt của chuyên gia Nhật Bản. Trước đó, Fecon cũng là nhà thầu Việt Nam đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ Jet Grouting 3 pha đường kính lớn (khoan bơm vữa cao áp) để thi công thành công cọc xi măng đất đường kính lên đến 3,5m tại dự án này.

Đó là những nhà thầu Việt đã và đang đẩy mạnh ứng dụng, cải tiến khoa học công nghệ, năng lực, biện pháp thi công… để khẳng định vị trí trên thị trường xây dựng, cạnh tranh được với nhà thầu nước ngoài.

Những năm gần đây, nhà thầu trong nước đã từng bước vươn lên, từ chỗ là thầu phụ, liên danh, liên kết với nhà thầu nước ngoài để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ, đến dần chủ động thực hiện nhiều công trình lớn. Tuy nhiên, thực tế đấu thầu nhiều công trình lớn đòi hỏi việc thiết kế, quá trình thi công phức tạp, công nghệ cao, như các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện, dầu khí, hóa chất..., nhà thầu nước ngoài thường có ưu thế nổi trội hơn về mặt công nghệ.

Quá trình hội nhập đang ngày càng sâu rộng, sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ trên toàn cầu tiếp tục gia tăng lợi thế của nhà thầu nước ngoài, buộc nhà thầu Việt phải thay đổi một cách tích cực, chủ động tận dụng lợi thế, tiếp thu công nghệ tiên tiến, hiện đại. Hiện nay, sức mạnh của nhà thầu không chỉ là ở quy mô, năng lực, mà còn ở khả năng thay đổi, thích ứng nhanh, ứng dụng công nghệ mới.

Theo ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhà thầu Việt cần lưu ý một số vấn đề. Đầu tiên là về con người, ngoại trừ bộ khung, nhà thầu Việt chủ yếu thuê lao động thời vụ, nông nhàn… Điều này rất bất lợi, có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình, nếu xảy ra sự cố sẽ làm mất uy tín, ảnh hưởng đến những cuộc thầu khác.

Để khắc phục hạn chế này, theo ông Cận, phải thay đổi cách đào tạo con người. Hiện đào tạo khập khiễng, chủ yếu do các trường nghề đào tạo, không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Có thể nghiên cứu cách thức các nhà thầu đứng ra đào tạo trên cơ sở nhu cầu thực tế, có thể từng nhà thầu lớn hoặc nhiều nhà thầu phối hợp đào tạo.

Vấn đề thứ hai là kỹ năng, biện pháp tổ chức thi công. Máy móc, thiết bị nhà thầu có thể đi thuê, nhưng quan trọng nhất đối với nhà thầu là kỹ nghệ thực hiện biện pháp thi công. Điều này rất nhiều nhà thầu, kể cả doanh nghiệp lớn, hiện đang yếu kém.

Ông Cận lấy ví dụ trường hợp Coteccons thắng thầu dự án Landmark 81 không phải chỉ nhờ thiết bị, vì công nghệ, thiết bị có thể còn thua nhà thầu Nhật, nhà thầu Hàn Quốc. Điều cốt yếu là Coteccons có kinh nghiệm về tổ chức thi công với đội ngũ cán bộ, kỹ thuật làm hồ sơ dự thầu, diễn giải biện pháp thi công khoa học, tính toán được gần như toàn bộ quá trình thi công, tạo niềm tin với chủ đầu tư rằng nhà thầu chắc chắn sẽ làm được và nhà thầu nước ngoài thua cũng tâm phục, khẩu phục.

Và để làm được điều này, nhà thầu phải có đội ngũ cán bộ, nhân viên có năng lực rất tốt. Người lãnh đạo phải biết chọn, biết sử dụng đội ngũ cán bộ kỹ thuật cả trong nước và nước ngoài.

Về phía chính sách, ông Cận khuyến nghị, chính sách, pháp luật về đấu thầu có thể nghiên cứu điều chỉnh về đánh giá năng lực, kinh nghiệm đối với nhà thầu. Nếu chỉ xét theo kinh nghiệm, thì những công trình công nghệ mới, nhà thầu Việt chưa có kinh nghiệm, nhà thầu nước ngoài sẽ trúng hết. Trong khi nhìn từ trường hợp của Coteccons trúng thầu dự án Landmark 81, nhà thầu này chưa có kinh nghiệm thi công công trình tương tự, nhưng có biện pháp thi công bài bản, sát công trình, tạo được niềm tin của chủ đầu tư và nhà thầu chứng minh bằng uy tín khi thực hiện nhiều công trình khác.

Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cũng cho rằng, trong mua sắm chính phủ, nên có những hướng mở hơn khi đánh giá về năng lực, kinh nghiệm đối với những nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với những công nghệ mới, vì nếu chỉ dựa theo tiêu chí cứng là những dự án/gói thầu tương tự đã thực hiện thì những nhà thầu này sẽ khó có cơ hội trúng thầu.

Chuyên đề