Nhà thầu Việt khó vào dự án ODA Nhật Bản?

(BĐT) - Thông thường vốn vay ODA có lãi suất thấp, vay dài hạn. Vậy đi kèm với các khoản vay có những điều kiện gì ràng buộc chặt chẽ hay không? Các Dự án ODA Nhật Bản sẽ bắt buộc do các nhà thầu Nhật Bản thực hiện hay không? Đây là những thắc mắc của nhiều nhà thầu Việt trong thời gian qua.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Không phân biệt quốc tịch nhà thầu

Trả lời những câu hỏi trên cũng như thông tin một cách rõ hơn với Báo Đấu thầu, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã đưa ra những phân tích chi tiết về tính chất của các dự án ODA Nhật Bản, cũng như cách thức và điều kiện để các nhà thầu có thể tham gia các dự án này. 

Cụ thể, JICA Việt Nam cho biết, các điều khoản của vốn vay ODA là ưu đãi với lãi suất cho vay thấp và thời hạn trả nợ dài. Tuy nhiên, không phải lúc nào các điều kiện ràng buộc cũng được áp dụng kèm theo. Do đó, nhà thầu không bắt buộc mang quốc tịch Nhật Bản trong mọi dự án vay vốn ODA Nhật Bản.

JICA Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, Nhật Bản tôn trọng quyết định của nước nhận viện trợ về việc có áp dụng các khoản vay kèm các điều khoản ràng buộc hay không. Vốn vay ODA Nhật Bản ràng buộc được gọi là “Điều khoản đặc biệt dành cho Đối tác kinh tế” (Special Terms for Economic Partnership - STEP). Hình thức này áp dụng cho các dự án cần tận dụng một cách đáng kể công nghệ và bí quyết kỹ thuật của Nhật Bản dựa trên yêu cầu của nước nhận viện trợ về việc sử dụng và chuyển giao các công nghệ vượt trội của Nhật Bản. Điều kiện chính của khoản vay STEP là (1) nhà thầu chính sẽ là các công ty Nhật Bản đơn lẻ hoặc đứng đầu liên danh giữa công ty Nhật và Công ty Việt Nam, (2) không dưới 30% hàng hóa sẽ có xuất xứ từ Nhật Bản.

Giá trị hợp đồng trong các dự án sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản (2010 - 2014) (Ước tính bởi Văn phòng JICA Việt Nam)

Như vậy, các khoản vay STEP chỉ được dành cho các dự án có yêu cầu công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản trên cơ sở đề nghị của nước nhận viện trợ.

“Trong tổng số vốn vay đã cam kết từ năm 2010 đến 2014, tỷ trọng của các khoản vay STEP chỉ vào khoảng 38% và 62% số vốn vay còn lại được cung cấp mà không có bất kỳ hạn chế gì về quốc tịch nhà thầu hay nguồn gốc xuất xứ hàng hóa’’, JICA Việt Nam khẳng định.

Gia tăng nhà thầu Việt tham gia dự án

Phân tích một cách rõ hơn về vai trò của nhà thầu Việt Nam khi tham gia các dự án ODA Nhật Bản, JICA Việt Nam tái khẳng định, trong mọi trường hợp, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia thực hiện dự án vốn vay ODA Nhật Bản.

Cụ thể, với những dự án vốn vay có điều kiện không ràng buộc, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia đấu thầu và thực hiện hợp đồng với tư cách là nhà thầu chính hoặc nhà thầu phụ.

Với các dự án áp dụng hình thức STEP, các doanh nghiệp của Việt Nam có thể tham gia thực hiện hợp đồng với tư cách là thành viên của liên danh Việt Nam - Nhật Bản, hoặc nhà thầu phụ.

Cam kết vốn ODA Nhật Bản hàng năm (2010-2014)

Theo số liệu của JICA, giá trị các hợp đồng được thực hiện bởi các doanh nghiệp Việt Nam trong khuôn khổ các dự án vốn vay ODA Nhật Bản đang tăng đều đặn theo từng năm, từ 31,2 tỷ Yên năm 2010 đến 73,5 tỷ Yên trong năm 2014.

Hiện nay, theo danh sách của JICA, số nhà thầu Việt Nam tham gia vào các dự án vốn vay ODA do Nhật Bản tài trợ đã lên tới con số hàng trăm. Điển hình, Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc Nam (đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi; nhà thầu CIENCO 1), Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc Nam (đoạn TP HCM - Dầu Giây; nhà thầu CIENCO 4), Dự án Nhà ga T2 Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài (nhà thầu Taisei và VINACONEX) và Dự án Xây dựng Cảng Lạch Huyện (xây dựng đường và cầu; nhà thầu Sumitomo Mitsui và CIENCO4, Trường Sơn) là những ví dụ về các hợp đồng lớn được thực hiện bởi nhà thầu Việt Nam.

Ông Yamamoto Kenichi, Phó Trưởng Đại diện JICA Việt Nam nhấn mạnh, chúng tôi tin tưởng vốn vay ODA Nhật Bản có tính mở nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam so với các khoản vay của các đối tác phát triển khác. Bên cạnh đó, JICA công khai thông tin về nhà thầu của các hợp đồng có giá trị trên 100 triệu Yên Nhật trong báo cáo thường niên của mình.

Chuyên đề