Nhà thầu Trung Quốc “độc diễn” ở gói thầu thủy điện Xuân Minh

(BĐT) - Gói thầu “Cung cấp, lắp đặt, thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị cơ điện và các dịch vụ kỹ thuật” thuộc Dự án Thủy điện Xuân Minh vừa chọn được nhà thầu trúng thầu. Quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu này có 5 nhà thầu nộp HSDT và tất cả đều là nhà thầu Trung Quốc.
Nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng thầu tại Việt Nam đã dính vào các bê bối khiến công trình chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo. Ảnh: Phương Dung
Nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng thầu tại Việt Nam đã dính vào các bê bối khiến công trình chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo. Ảnh: Phương Dung

Các nhà thầu nộp HSDT đều là nhà thầu Trung Quốc

Công ty CP Thủy điện Xuân Minh (bên mời thầu) vừa thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu XM-28. Theo đó, nhà thầu trúng thầu là Công ty Chế tạo thiết bị thủy điện Thiên Phát -Thiên Tân, Trung Quốc với giá trúng thầu gần 118.512 triệu đồng. Giá gói thầu này là hơn 140.091 triệu đồng, như vậy, qua đấu thầu rộng rãi quốc tế, giá trúng thầu đã chênh lệch giảm 21.579 triệu đồng, tương đương đạt tỷ lệ tiết kiệm hơn 15%.

Gói thầu XM-28 áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi quốc tế. Thời gian thực hiện hợp đồng là 20 tháng, loại hợp đồng trọn gói. Dự án được xây dựng tại xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ của Bên mời thầu cho biết, đã có 5 nhà thầu (đều là nhà thầu Trung Quốc) nộp hồ sơ dự thầu Gói thầu. Quá trình đánh giá cho thấy, có 3 nhà thầu Trung Quốc đạt yêu cầu về kỹ thuật và được đưa vào đánh giá chi tiết về giá, gồm: Công ty Chế tạo thiết bị thủy điện Thiên Phát - Thiên Tân; Liên danh nhà thầu CHMC - Hồng Nguyên; Tập đoàn Chiết Phú. Trong đó, Công ty Chế tạo thiết bị thủy điện Thiên Phát - Thiên Tân là nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất và được lựa chọn là nhà thầu trúng thầu. Hiện Công ty CP Thủy điện Xuân Minh đang làm các thủ tục để chuẩn bị ký hợp đồng với Công ty Chế tạo thiết bị thủy điện Thiên Phát - Thiên Tân. 

Và nỗi lo về các công trình thủy điện

Dự án Thủy Điện Xuân Minh có công suất lắp máy là 15MW, bao gồm 02 tổ máy, do Công ty cổ phần Thủy điện Xuân Minh làm Chủ đầu tư là một dự án bậc thang dưới của Dự án Thủy điện Cửa Đạt và nằm trên sông Chu, thuộc địa bàn xã Xuân Cẩm và Xuân Cao của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến là 509 tỷ đồng, thời gian thi công xây dựng là 30 tháng, sản lượng điện trung bình năm đạt khoảng 66 triệu kWh.
Thực tế đã cho thấy, trong quá trình triển khai thực hiện công trình tại Việt Nam, nhiều nhà thầu Trung Quốc đã dính vào các bê bối khiến công trình chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo.

Mới đây nhất, tại Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum, Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) đã khởi kiện liên danh nhà thầu Trung Quốc về việc thi công chậm trễ nghiêm trọng, gây chậm tiến độ Dự án (theo tiến độ đã được ký kết, thời gian thực hiện gói thầu là 42 tháng, nhưng sau gần 40 tháng, khối lượng thi công mới chỉ đạt 24,3%)…

Tại Dự án Thủy điện Dakr’tih, Nhà thầu IWHR (Trung Quốc) đã trúng thầu gói “cung cấp và lắp đặt thiết bị cơ - điện chính”. Đến thời hạn hoàn thành, dù dự án chưa xong, Nhà thầu IWHR đã đơn phương rút các chuyên gia kỹ thuật quan trọng khỏi công trường; đồng thời, không có kế hoạch cung cấp vật tư còn thiếu, không đệ trình quy trình và chương trình thử nghiệm, tiến độ và kế hoạch thực hiện các công việc tiếp theo...

Một chuyên gia về đấu thầu cho biết, trong quá trình đấu thầu, không ít nhà thầu Trung Quốc dùng các chiêu tranh giành hợp đồng thầu chính như bỏ thầu giá thấp nhưng sau đó tìm cách ép chủ đầu tư tăng chi phí; cung cấp các thiết bị công nghệ có thời gian sử dụng ngắn, sau khi bàn giao công trình, chủ đầu tư phải bỏ thêm chi phí mua bản quyền công nghệ, thiết bị đó... Thực tế tại một số dự án, công trình cũng cho thấy sự thiếu hợp tác và năng lực hạn chế của nhà thầu Trung Quốc, không chỉ ở lĩnh vực thủy điện, mà cả các dự án hạ tầng quan trọng khác.

Chuyên đề