Nhà thầu than khó khi cát “neo giá” cao

(BĐT) - Giá cát tại khu vực phía Nam sau thời gian tăng cao đã “neo giá” khiến nhiều công trình gặp khó. Một số địa phương đã có công văn đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị khai thác cát tăng nguồn cung, nhưng thị trường vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Sức ép cát tăng giá vẫn là gánh nặng đè lên vai các nhà thầu, chủ đầu tư.
Giá cát tăng không chỉ khiến nhà thầu gặp khó mà còn khiến nhiều chủ đầu tư lo ngại công trình sẽ bị chậm tiến độ. Ảnh: Quang Tuấn
Giá cát tăng không chỉ khiến nhà thầu gặp khó mà còn khiến nhiều chủ đầu tư lo ngại công trình sẽ bị chậm tiến độ. Ảnh: Quang Tuấn

Nhà thầu, chủ đầu tư cùng than khó

Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, trong 3 tháng qua, trên địa bàn TP.HCM, giá cát xây tô (xây trát) không ngừng tăng cao, từ khoảng 200 ngàn đồng/khối lên đến gần 500 ngàn đồng/khối và hiện đang ở mức giá 420 ngàn đồng/khối. Cát san lấp cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục từ 80 ngàn đồng/khối lên đến 230 ngàn đồng/khối và hiện mức giá này vẫn đang duy trì.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Coteccons cho biết, giá cát tăng khiến công trình bị đội giá lên từ 2 - 3%. Do các công trình Coteccons xây dựng chủ yếu là của chủ đầu tư tư nhân nên giá vật liệu tăng nhà thầu phải tự gánh. Tính toán sơ bộ thì việc tăng giá cát sẽ làm giảm từ 1 - 1,5% lợi nhuận của nhà thầu.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tecco, đại diện một doanh nghiệp chuyên xây dựng các dự án bất động sản giá thấp cũng chia sẻ: “Mỗi lần giá vật liệu xây dựng biến động, nhà thầu lại gánh nhiều rủi ro, không chỉ về giá tăng, mà còn ảnh hưởng đến thời gian cấp vật liệu vào công trình. Nếu giá cát duy trì ở mức như hiện nay thì công trình sẽ bị đội giá lên từ 1,5 - 2%. Tùy thuộc vào hợp đồng ký kết, giá trị hợp đồng có thể giữ nguyên hoặc chủ đầu tư sẽ điều chỉnh một phần theo đề xuất của nhà thầu. Giá vật liệu biến động không chỉ khiến nhà thầu bị ảnh hưởng mà ngay cả chủ đầu tư cũng nơm nớp lo sợ công trình bị chậm tiến độ”.

Còn theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đại Hoàng Anh thì giá cát tăng cao cũng làm giá bê tông tăng theo. Sau thời gian tăng, giá cát có chững lại, nhưng không giảm. Thị trường xây dựng đang trong giai đoạn phục hồi, nên nhu cầu sẽ còn gia tăng. “Là công ty chuyên về bê tông, chúng tôi đã tìm một số giải pháp, trong đó có việc sử dụng cát nhân tạo để thay thế một phần cát tự nhiên trong trường hợp thiếu cát. Tuy nhiên, do giá cát nhân tạo cao nên đây chỉ là giải pháp tình thế, chứ chưa thể thay thế lâu dài”, ông Hoàng than thở.

Trong khi đó, tại nhiều địa phương, tiến độ xây dựng các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước lại ghi nhận những diễn biến khác. Tỉnh Bạc Liêu là một trong những địa phương sớm có kiến nghị với Trung ương về việc điều chỉnh giá quyết toán đối với cát xây dựng. Theo đó, địa phương này đã thu thập ý kiến của các nhà thầu xây dựng kiến nghị điều chỉnh giá cát đối với hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định. UBND tỉnh Trà Vinh cũng đã giao các sở, ngành xem xét, báo cáo Bộ Giao thông vận tải đề nghị các tỉnh khác hỗ trợ nguồn cát xây dựng công trình giao thông và kiến nghị sớm có giải pháp để tháo gỡ cho các địa phương đang gặp khó khăn về vấn đề này.

Ngoài Bạc Liêu, một số địa phương khác cũng đang gặp nhiều khó khăn do giá cát tăng cao từ 200 - 300%. Điển hình như, tại Hậu Giang, các nhà thầu đã cho dừng thi công tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn. Còn tại An Giang, các gói thầu thi công san lấp cũng đang ngưng trệ. 

Khó điều chỉnh giá hợp đồng

Theo Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, điều chỉnh giá vật liệu thi công các công trình phụ thuộc vào quy định của từng loại hợp đồng dự án. Hiện cả 2 loại hợp đồng thường được áp dụng trong xây dựng là hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định đều đang khiến nhà thầu và các địa phương gặp khó khăn trong việc tìm phương án xử lý khi giá vật liệu xây dựng tăng cao.

Ông Võ Chí Hải, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thới Bình, một nhà thầu chuyên thi công các công trình giao thông chia sẻ, hợp đồng xây dựng chỉ được điều chỉnh giá trong các trường hợp quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 143 của Luật Xây dựng. Đối với hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định, việc điều chỉnh giá hợp đồng chỉ được áp dụng trong một số trường hợp như: khối lượng thay đổi so với phạm vi công việc phải thực hiện theo hợp đồng đã ký, khối lượng công việc bổ sung hợp lý, khối lượng thay đổi giảm so với phạm vi công việc phải thực hiện... “Giá cát tăng cao là bất khả kháng đối với nhà thầu và chủ đầu tư, nhưng lại không bất khả kháng theo quy định hiện hành. Thực tế này đang khiến nhà thầu rất đau đầu”, ông Hải cho biết.

Trong khi đó, ông Trần Việt Hòa, Giám đốc Công ty Xây dựng Hòa An cho biết, đơn vị này đang gặp nhiều khó khăn trước tình trạng giá cát tăng phi mã. Trong tình hình bão giá cát hiện nay, nhà thầu có thể phải cắt lỗ để cầm cự thi công hoặc tìm giải pháp thay thế vật liệu san lấp từ tro, xỉ để giảm chi phí, tuy nhiên cả hai giải pháp này đều chỉ mang tính tạm thời.

Chuyên đề