Nhà thầu khiếu kiện vượt cấp ngày càng nhiều, vì sao?

(BĐT) - Theo chuyên gia về đấu thầu, tình trạng nhà thầu khiếu kiện vượt cấp đang nói lên rằng, do nhà thầu không nắm vững pháp luật về đấu thầu hoặc do chủ đầu tư/bên mời thầu – cấp trực tiếp có trách nhiệm giải quyết kiến nghị của nhà thầu đã không làm tròn “vai”, không xử lý một cách thỏa đáng, gây mất niềm tin của nhà thầu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Trách nhiệm của bên mời thầu, chủ đầu tư

Theo quy định tại Điều 91 và Điều 92 của Luật Đấu thầu 2013, cấp trực tiếp giải quyết kiến nghị của nhà thầu là chủ đầu tư/bên mời thầu. Cụ thể, Điều 91 Luật Đấu thầu 2013 quy định: “Khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu, nhà đầu tư có quyền kiến nghị với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; về kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư…”. “Chủ đầu tư, bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu. Trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu không có văn bản giải quyết kiến nghị hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đến người có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu...” (Điều 92).

Như vậy, chủ đầu tư/bên mời thầu là cấp trực tiếp nhận và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu của nhà thầu, sau đấy mới là người có thẩm quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà thầu trong quá trình tham gia đấu thầu đã gửi kiến nghị lên rất nhiều cơ quan chức năng không phải là cơ quan có trách nhiệm giải quyết kiến nghị của nhà thầu.

Nhiều chủ đầu tư không làm tròn “vai”

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng Sài Gòn cho biết, nhiều lần nhà thầu phát hiện trong hồ sơ mời thầu cài cắm điều kiện để loại nhà thầu, kiểu “đo ni đóng giày” cho nhà thầu quen biết. Nhà thầu đã nhiều lần kiến nghị đến chủ đầu tư/bên mời thầu đề xuất chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ mời thầu nhưng chủ đầu tư/bên mời thầu hoặc làm ngơ với kiến nghị này của nhà thầu hoặc chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ một cách chiếu lệ.

Thực tế cũng cho thấy có những chủ đầu tư tìm cách lẩn tránh giải quyết kiến nghị của nhà thầu. Cách đây vài tháng, UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) từ chối không xem xét sửa hồ sơ mời thầu Gói thầu số 9: Giám sát thi công và lắp đặt thiết bị (không bao gồm TBA) công trình Trường Mầm non Sơn Ca giai đoạn II với lý do chủ đầu tư nhận được kiến nghị của nhà thầu là Công ty CP Tư vấn xây dựng Quảng Bình muộn so với quy định về thời gian giải quyết kiến nghị trong đấu thầu. Trong khi cùng là nội dung đơn kiến nghị ấy, Công ty gửi đồng thời lên các cơ quan chức năng cùng nằm trên địa bàn Hà Nội thì các cơ quan này đã nhận được đúng hạn.

Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, việc nhà thầu khiếu kiện, kiến nghị vượt cấp lên các cơ quan chức năng một mặt cho thấy nhà thầu không nắm vững quy định pháp luật về đấu thầu. Bởi lẽ khi nhận được khiếu kiện, kiến nghị của nhà thầu, nhiều cơ quan chức năng nếu không phải là cấp trực tiếp được giao trách nhiệm giải quyết kiến nghị của nhà thầu lại phải hướng dẫn nhà thầu gửi đơn kiến nghị, nội dung kiến nghị đến cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết, như vậy nội dung kiến nghị của nhà thầu sẽ phải đi “đường vòng”. Mặt khác, việc nhà thầu kiến nghị vượt cấp cũng cho thấy, nhà thầu đã mất niềm tin nơi chủ đầu tư/bên mời thầu vì cấp trực tiếp có trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết kiến nghị của nhà thầu đã không thực sự quan tâm, xử lý một cách thấu đáo mỗi khi nhận được kiến nghị. Nhà thầu nên bám sát các mốc thời gian nhận và xử lý kiến nghị của chủ đầu tư, trường hợp bị chủ đầu tư né tránh, “đẩy bóng trách nhiệm” thì có thể tiếp tục kiến nghị đến cấp có thẩm quyền, yêu cầu được giải quyết thỏa đáng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà thầu.

Chuyên đề