Nhà máy Alumin Nhân Cơ: Nhà thầu Trung Quốc được chọn thế nào?

(BĐT) - Dự kiến, hôm nay (16/8), Văn phòng Chính phủ sẽ tổ chức cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng, Nhà máy Alumin Nhân Cơ. 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Mới đây, sự cố tràn kiềm do vỡ cổ bơm tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ xảy ra trong giai đoạn Nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) đang tiến hành các bước chạy thử liên động toàn nhà máy. Đây là sự cố khiến nhiều người lo ngại, dẫn đến những mối quan tâm về chất lượng công trình và quá trình lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu EPC Nhà máy Alumin Nhân Cơ. 

Mới vận hành thử đã xảy ra sự cố

Gói thầu EPC Nhà máy Alumin Nhân Cơ do nhà thầu chính Công ty Hữu hạn Công trình quốc tế nhôm Trung Quốc (Chalieco) thuộc Tổng công ty Nhôm Trung Quốc thực hiện, khởi công năm 2010. Vào ngày 23/7 vừa qua, trong quá trình nhập kiềm lưu kho chứa chuẩn bị phục vụ chạy thử toàn Nhà máy thì xảy ra sự cố vỡ cổ ống đẩy của máy bơm kiềm. Ngay sau sự cố, nguồn kiềm đã được cán bộ, nhân viên Nhà máy khống chế hoàn toàn. Tuy nhiên, sự cố này đã gây lo ngại về chất lượng công trình và nguy cơ xảy ra sự cố làm ảnh hưởng đến môi trường.

Báo cáo về sự cố này, trong một văn bản gửi Bộ Công Thương, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, đây là sự cố xảy ra trong giai đoạn đầu Nhà thầu Chalieco đang tiến hành các bước để chạy thử liên động toàn nhà máy. Sau sự cố, TKV đã kịp thời chỉ đạo Công ty Nhôm Đắk Nông phối hợp thực hiện cùng Nhà thầu chính Chalieco, nhà thầu phụ và các đơn vị liên quan quán triệt nhiệm vụ trong giai đoạn vận hành thử và vận hành thương mại sau này phải tuyệt đối đảm bảo an toàn lao động và an toàn môi trường.

Trong một văn bản khác báo cáo về sự cố này, Ban quản lý Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ - Vinacomin thuộc TKV thông tin thêm: Nhà thầu Chalieco triển khai thi công, lắp đặt theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt và đã chạy thử đúng quy trình. Việc xảy ra sự cố trên là nguyên nhân bất khả kháng chưa từng xảy ra ở bất kỳ nhà máy nào.

Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sự cố tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ, tỉnh Đắk Nông mặc dù được khống chế ngay, song cũng đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và dư luận xã hội. Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xác định cụ thể nguyên nhân, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.

TKV xin chỉ định thầu

Liên quan đến vấn đề lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu EPC Nhà máy Alumin Nhân Cơ, thời gian vừa qua, trên nhiều diễn đàn, nhiều ý kiến nghi ngại, TKV bị “sập bẫy giá rẻ” của các nhà thầu Trung Quốc. Thực chất, nhà thầu Trung Quốc được lựa chọn thực hiện Gói thầu này như thế nào?

Theo một số nguồn tin, Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ được khởi động đầu tư từ cuối năm 2005 với công suất dự kiến lúc đó là 100.000 tấn alumin/năm. Các HSDT lúc ấy không đáp ứng yêu cầu và xét thấy hiệu quả kinh tế không đạt nên Chủ đầu tư kiến nghị và được Thủ tướng cho phép điều chỉnh nâng công suất lên 300.000 tấn alumin/năm. Tuy nhiên, kết quả đấu thầu lần thứ hai cũng không chọn được nhà thầu và sau khi tính toán lại hiệu quả kinh tế, Chủ đầu tư một lần nữa kiến nghị và được Thủ tướng cho phép điều chỉnh công suất lên mức 600.000 tấn/năm vào đầu tháng 5/2008.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng “bác” chỉ định thầu

Cho ý kiến về việc xử lý gói thầu EPC hai nhà máy sản xuất Alumin Lâm Đồng, Nhân Cơ, tại Văn bản số 4684/BKH-QLĐT ngày 30/6/2008, Bộ KH&ĐT cho rằng, những lý do về việc TKV xin chỉ định thầu Gói thầu EPC Nhà máy Alumin Nhân Cơ là chưa hợp lý để chỉ định thầu. Giá Gói thầu được duyệt là 131 triệu USD, trong khi bỏ giá của hai nhà thầu tham gia là 248,4 triệu USD (chưa có thuế) và 292,4 triệu USD (chưa có thuế), cao gấp hơn 2 lần (nếu tính cả thuế). “Điều này cho thấy công tác chuẩn bị đấu thầu như: lập dự toán, thiết kế là chưa chuẩn xác... Thực tế, TKV đã tiến hành tham khảo suất đầu tư của các nhà máy sản xuất alumin trong khu vực thì thấy với giá chào thầu của nhà thầu cao gấp đôi (tăng 100%) so với giá gói thầu mà TKV vẫn khẳng định suất đầu tư như vậy là thấp hơn khu vực càng khẳng định công tác chuẩn bị đấu thầu là chưa phù hợp” - Bộ KH&ĐT nêu ý kiến.

Tại Văn bản số 4952/TKV-VP ngày 12/6/2008 về việc xin ý kiến chỉ đạo xử lý kết quả đấu thầu EPC hai nhà máy Alumin Lâm Đồng và Alumin Nhân Cơ gửi Thủ tướng Chính phủ, TKV đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty CP Alumin Nhân Cơ - TKV được chỉ định cho nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) trúng thầu (nhà thầu bỏ giá thầu thấp nhất trong đấu thầu EPC và cũng là nhà thầu trúng Gói thầu EPC - Nhà máy Alumin Lâm Đồng) thực hiện gói thầu EPC - Nhà máy Alumin Nhân Cơ công suất 600.000 tấn alumin/năm nhằm đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm vốn đầu tư Dự án.

TKV cho biết: Công ty CP Alumin Nhân Cơ - TKV đã tổ chức đấu thầu EPC - Nhà máy Alumin Nhân Cơ công suất 300.000 tấn alumin/năm có xem xét mở rộng đến 600.000 tấn/năm nhưng chỉ có hai nhà thầu Trung Quốc dự thầu. Trong đó, Nhà thầu Chalieco chào giá 248,4 triệu USD (chưa có thuế) với suất đầu tư 828 USD/T công suất và Nhà thầu NFC chào giá 292,4 triệu USD (chưa có thuế) với suất đầu tư 975 USD/T. Giá chào thầu này đều cao hơn nhiều so với giá gói thầu được duyệt là 131 triệu USD nên Công ty CP Alumin Nhân Cơ đã đề nghị hủy bỏ cuộc đấu thầu”.

Đồng thời, TKV cũng khẳng định: “Lãnh đạo Tổng công ty Nhôm Trung Quốc và Nhà thầu Chalieco đã cam kết giúp TKV xây dựng cả hai nhà máy Alumin Lâm Đồng và Alumin Nhân Cơ với chất lượng tốt và chi phí hợp lý”.

Được biết, sau đó, Gói thầu EPC Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã được chỉ định cho Nhà thầu Chalieco thực hiện. Theo cam kết Hợp đồng Gói thầu này thì sau 24 tháng, Nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, kể từ khi khởi công, nhiều năm qua, không ít lần mục tiêu đưa Nhà máy vào hoạt động, có sản phẩm alumin đầu tiên đều “vỡ kế hoạch”.

Lý giải về việc Nhà máy chậm đi vào hoạt động, Lãnh đạo Chalieco đã từng chỉ ra là do một phần từ sự cố lò hơi ở Nhà máy Nhiệt điện bị nổ. Cụ thể, vào tháng 11/2015, trong quá trình sấy khô vật liệu xây dựng, 2 lò hơi đã bị nổ. Nguyên nhân chính là do phía Nhà thầu đưa vật liệu từ Trung Quốc qua không bảo đảm. Khi tiến hành sấy khô bê tông ở nhiệt độ cao, vật liệu đã bị vữa, dẫn đến sự cố. Vị đại diện Nhà thầu cũng khẳng định: “Sự cố ở lò hơi không liên quan gì đến công nghệ. Theo hợp đồng, toàn bộ dây chuyền máy móc do nhà thầu Trung Quốc cung cấp. Nhưng các thiết bị máy móc này đều được sản xuất từ năm 2011 đến nay, mang thương hiệu của thế giới”.

Chuyên đề