Muôn vẻ chuyện hủy thầu

(BĐT) - Pháp luật về đấu thầu chỉ quy định có 4 trường hợp hủy thầu nhưng trên thực tế, bức tranh hủy thầu rất phong phú với nhiều sắc màu khác nhau, lý do hủy thầu cũng hết sức đa dạng mà ít ai có thể hình dung một cách đầy đủ được.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Không có nhà thầu nộp hồ sơ

Kết quả khảo sát dữ liệu hơn 3 tháng gần đây của Báo Đấu thầu cho thấy, việc các bên mời thầu phải hủy thầu vì không có nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), hồ sơ đề xuất (HSĐX) là lý do phổ biến nhất; trong đó, số lượng các gói thầu ngành điện phải hủy thầu vì không có nhà thầu nộp HSDT, HSĐX chiếm tỷ lệ lớn.

Mới đây nhất, ngày 2/11/2018, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đã phải hủy thầu Gói thầu 18.6.1 Cung cấp vật tư và thi công xây lắp công trình sửa chữa trụ anten tại văn phòng Công ty do đến thời điểm đóng thầu (9h30 ngày 27/10/2018), không có nhà thầu nào nộp HSDT. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại các gói thầu khác do Công ty Lưới điện cao thế TP. Hà Nội; Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội; Công ty Điện lực Cầu Giấy; Công ty Điện lực Ba Đình; Công ty Điện lực Hà Tĩnh; Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng; Công ty Điện lực Hà Giang; Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương…

Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu, về bản chất thì nhà thầu rất cần cơ hội việc làm từ các gói thầu. Nếu bên mời thầu thực sự cầu thị thì trước khi tổ chức đấu thầu lại, cần phân tích đầy đủ nguyên nhân khiến nhà thầu không “mặn mà” với gói thầu đang mời thầu, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp. Thông thường, nguyên nhân là do khâu thông báo mời thầu chưa thực sự rộng rãi hoặc hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC) đưa ra các quy định không phù hợp, làm nhà thầu thấy “khó nhằn” nên từ bỏ sớm.

Hủy thầu vì muôn vàn lý do khác

Ngày 1/11/2018, Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát đã thông báo hủy mời thầu Gói thầu Mua sắm giường bệnh năm 2018 với lý do HSYC chưa được thẩm định, phê duyệt theo quy định. Đây là một trong những lý do hủy thầu “kỳ quặc” bởi bên mời thầu đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong quá trình tổ chức đấu thầu (HSYC chưa được thẩm định, phê duyệt theo quy định đã vội vàng thực hiện mời thầu).

Việc hủy thầu vì nguyên nhân chủ quan của các chủ đầu tư/bên mời thầu cũng không hiếm. Chẳng hạn, ngày 29/10/2018, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường phải thông báo hủy Gói thầu Mua vật tư, linh kiện thay thế định kỳ do đăng tải sai thời điểm đóng/mở thầu. Chi nhánh Tổng công ty Điện lực TP.HCM (TNHH) - Công ty Dịch vụ Điện lực TP.HCM phải hủy Gói thầu số 2 Trang bị dụng cụ an toàn năm 2018 vì HSMT sai yêu cầu kỹ thuật của hạng mục sào tiếp địa…

Ngày 30/10/2018, Ban Quản lý dự án phát triển hạ tầng các khu công nghiệp tỉnh Bến Tre phải hủy Gói thầu Thi công xây dựng hạng mục đường N5, đoạn từ đường D7 (Km0+000) đến cổng nhà máy bia với lý do nhà thầu xếp hạng thứ nhất từ chối không thực hiện hợp đồng do vướng giải phóng mặt bằng (chủ đầu tư chưa bàn giao được mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công tại thời điểm ký kết hợp đồng như đã “hứa” trong HSMT). Có 3 nhà thầu tham gia thì 2 nhà thầu còn lại đều không đáp ứng được yêu cầu của HSMT.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ đấu thầu của Ban Quản lý dự án phát triển hạ tầng các khu công nghiệp tỉnh Bến Tre cho biết, vì vướng giải phóng mặt bằng cho phần diện tích 635 m2 nên gói thầu có thể bị chậm tiến độ 1 năm, hiện nay Bên mời thầu cũng không tổ chức đấu thầu lại được vì không kịp tiến độ giải ngân vốn cho nhà thầu theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, ở một số gói thầu bị hủy thầu lại xuất phát từ “lỗi” của nhà thầu tham dự. Điển hình là câu chuyện Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển phải hủy Gói thầu Mua sắm ô tô bán tải 5 chỗ ngồi, máy dầu Diezen, số tự động, một cầu vì HSĐX của Công ty CP Kinh doanh ô tô Thủ Đô và Công ty TNHH MTV Kinh doanh ô tô Thăng Long có biểu hiện thông thầu. Cán bộ đấu thầu của Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển cho biết, có 3 nhà thầu nộp HSĐX nhưng HSĐX của 2 nhà thầu nói trên giống nhau từ cách trình bày đến sai lỗi chính tả nên đành phải hủy thầu và mời thầu lại.

Chuyên đề