Mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia: Thuốc được điều phối ổn định, đạt chất lượng với giá tốt nhất

(BĐT) - Là một trong hai đơn vị được Chính phủ giao tổ chức mua sắm tập trung (MSTT) thuốc cấp quốc gia, đến nay, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã tổ chức thí điểm đấu thầu 2 lần. Nhìn lại giai đoạn thí điểm vừa qua, ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Dược và Vật tư y tế thuộc BHXH Việt Nam chia sẻ nhiều kết quả khả quan, khó khăn cũng như những bài học kinh nghiệm cho việc triển khai trong thời gian tới.
Qua mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia, giá trúng thầu từng bước giảm. Ảnh: Lê Tiên
Qua mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia, giá trúng thầu từng bước giảm. Ảnh: Lê Tiên

Sau thời gian triển khai thí điểm công tác đấu thầu MSTT thuốc cấp quốc gia, BHXH Việt Nam đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?

BHXH Việt Nam được Chính phủ giao triển khai thí điểm đấu thầu thuốc cấp quốc gia theo hình thức MSTT kể từ ngày 1/1/2018 tại Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 7/7/2016. Sau 3 năm thực hiện, BHXH Việt Nam đã giao Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (Trung tâm) tổ chức đấu thầu 2 lần.

Khi xây dựng giá kế hoạch cho từng mặt hàng, BHXH Việt Nam xác định mục tiêu giảm giá từ 10 - 15% so với giá thuốc trúng thầu 12 tháng trước. Việc xây dựng danh mục mua sắm dựa trên cơ sở nhu cầu mua sắm thuốc của các địa phương đề xuất, có sự phối hợp thẩm định giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở y tế. Danh mục này không trùng với danh mục của Bộ Y tế. Tiêu chí để lựa chọn thuốc đưa vào danh mục thường là thuốc có tần suất sử dụng nhiều, chi phí lớn.

Lần thứ nhất là mua sắm cho năm 2018 với 20 mặt hàng thuốc, được chia làm 4 gói thầu với tổng giá các gói thầu theo kế hoạch là hơn 1.052 tỷ đồng. Tổng giá trúng thầu là hơn 946,7 tỷ đồng. Giá thuốc trúng thầu giảm 21,12% so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017. Trong đó, tỷ lệ giảm giá thuốc biệt dược gốc trúng thầu từ 10 - 15%.

Lần thứ hai là mua sắm cho 2 năm 2019 - 2020. Theo kế hoạch được phê duyệt, có 568 mặt hàng được mua sắm với tổng giá trị là 11.661 tỷ đồng. Các mặt hàng được chia làm 7 gói thầu, trong đó có 6 gói thầu thuốc generic phân chia theo 6 vùng, 1 gói thầu thuốc biệt dược gốc và tương đương điều trị thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Trung tâm đã ký kết thỏa thuận khung với 44 nhà thầu trúng thầu 539 mặt hàng với tổng giá trúng thầu là 10.027,6 tỷ đồng, giảm 905,1 tỷ đồng so với giá kế hoạch (tương ứng giảm 8,3%) và giảm 2.868,5 tỷ đồng so với giá trúng thầu bình quân các địa phương trước khi đấu thầu tập trung cấp quốc gia (tương ứng giảm 22,4%). Trong đó, giá trúng thầu thuốc biệt dược gốc là 4.024,6 tỷ đồng, giảm 13,19% (611,6 tỷ đồng) so với giá trúng thầu bình quân các địa phương; giá trúng thầu thuốc generic là 6.003 tỷ đồng, giảm 27,47% (2.273,5 tỷ đồng) so với giá trúng thầu bình quân các địa phương trước khi đấu thầu tập trung cấp quốc gia.

Như vậy, qua MSTT thuốc cấp quốc gia, giá trúng thầu từng bước giảm. Tổng giá trúng thầu cả 2 đợt đã giảm được khoảng 22,4% so với giá trúng thầu bình quân tại các địa phương trước khi đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Trong đó, thuốc generic giảm trên 37%, biệt dược gốc giảm 13%. 

Việc tổ chức MSTT thuốc cấp quốc gia có tác động như thế nào đến chất lượng hàng hóa và hoạt động cung cấp thuốc, thưa ông?

Việc tổ chức đấu thầu MSTT thuốc cấp quốc gia tại BHXH Việt Nam cho thấy, nguồn cung thuốc rất ổn định, khắc phục được những bất cập trước đây.

Cụ thể, sau khi chọn được nhà thầu trúng thầu, Trung tâm ký thỏa thuận khung với các nhà thầu, rồi các cơ sở y tế ký hợp đồng cung ứng trực tiếp. BHXH Việt Nam cũng tích cực chủ động yêu cầu BHXH các địa phương giám sát quá trình cung ứng này, trong đó ưu tiên cung ứng cho các cơ sở y tế thiếu thuốc, nhất là thuốc kháng sinh. Giữa ngành y tế, BHXH và các nhà thầu có sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng trong việc điều tiết thuốc, không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu thuốc. Mỗi khi số thuốc sử dụng gần hết, các cơ sở khám chữa bệnh có thể báo luôn cho Trung tâm để có sự điều phối kịp thời. Trong quá trình triển khai cung ứng thuốc trúng thầu, nếu nhà thầu phản ánh các cơ sở khám chữa bệnh không ký hợp đồng thì phía BHXH Việt Nam lập tức có văn bản nhắc nhở.

Đấu thầu MSTT thuốc cấp quốc gia giúp chọn được thuốc tốt với giá phù hợp, đồng nhất giữa các địa phương, tránh được sự chênh lệch mỗi nơi một giá như trước đây. Có thể chấp nhận có sự chênh lệch do vận chuyển, nhưng không quá lớn.

Với những lợi ích đó, đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia đảm bảo quyền lợi của người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế. 

Sau khi kết thúc thời gian thí điểm, để tiếp tục đẩy mạnh MSTT và mở rộng danh mục mua sắm, theo ông cần phải rút kinh nghiệm và triển khai những biện pháp gì?

Trong thời gian qua, mặc dù MSTT đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc cần phải làm, khắc phục một số hạn chế, bất cập.

Thực tế cho thấy, một số cơ sở khám chữa bệnh dự trù không sát so với nhu cầu sử dụng. Dự trù số lượng thuốc lớn nhưng lại không mua đủ theo quy định là đạt 80%, mà chỉ đạt được khoảng 50%. Còn có trường hợp đã chọn được thuốc trúng thầu, nhưng cơ sở khám chữa bệnh lại không mua mà lại chọn thuốc khác để mua. Những điều này ảnh hưởng lớn tới các nhà thầu, dẫn đến bị động trong việc chuẩn bị và cung ứng thuốc.

Trong khi đó lại thiếu chế tài xử lý đối với các cơ sở khám chữa bệnh. Thông tư số 15/2019/TT-BYT chỉ quy định, giám đốc cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm giải trình vì sao không mua, chứ không có chế tài xử lý đối với việc không thực hiện đúng quy định.

Một băn khoăn nữa đặt ra với bên mời thầu MSTT thuốc cấp quốc gia là vấn đề giảm giá thuốc. Đây cũng là thách thức trong thời gian tới, khi giá thuốc khó có thể giảm được nhiều hơn nữa vì đã tới hạn, nhất là biệt dược gốc. Do đó, cần phải tính toán giảm đến mức độ nào cho phù hợp, tránh tình trạng nhà thầu chỉ nghĩ đến giá mà không nghĩ đến việc nâng cao chất lượng thuốc. Một viên/ống thuốc không chỉ phụ thuộc vào hoạt chất mà còn phải đảm bảo phổ tiêu chí khá rộng. Nếu chăm chăm cắt giảm chi phí tá dược, quy trình vận chuyển, bảo quản thì có thể ảnh hưởng tới chất lượng thuốc. Do đó, cần cân nhắc, nghiên cứu, đề xuất phương án đấu thầu phù hợp, vừa đảm bảo được tính cạnh tranh, vừa lựa chọn được thuốc có chất lượng với giá cả tốt nhất.

Mặt khác, cũng cần lưu ý trường hợp nếu vì một lý do gì đó, nhà thầu bị đứt nguồn hàng hay bị tước giấy phép… gây ra sự lúng túng trong việc cung ứng thuốc cho các bên liên quan. Hay việc trúng thầu với số lượng lớn tạo nên thế độc quyền của một số nhà thầu, khiến cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc tương ứng bị hạn chế vì họ không trúng thầu. Đây là những bài học cần rút kinh nghiệm cho việc mở rộng tổ chức MSTT thuốc cấp quốc gia sắp tới. 

Chuyên đề