Mua sắm công xanh: Không thể triển khai độc lập

(BĐT) - Tại Hội thảo Tăng cường nhận thức về mua sắm công xanh (MSCX), tổ chức tại TP.HCM ngày 19/9/2018, nhiều ý kiến cho rằng, MSCX cần phải được thúc đẩy hơn nữa.
Mua sắm công xanh là một công cụ có lợi cho cả người mua và nhà cung cấp, có ý nghĩa thúc đẩy các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Ảnh: Hoài Anh
Mua sắm công xanh là một công cụ có lợi cho cả người mua và nhà cung cấp, có ý nghĩa thúc đẩy các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Ảnh: Hoài Anh

Văn bản liên quan trực tiếp đến MSCX còn ít

Theo ông Nguyễn Minh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), MSCX là quá trình mà các cơ quan quản lý nhà nước tìm cách giảm các tác động về môi trường của hàng hóa và dịch vụ họ mua sắm trong suốt vòng đời sản phẩm/dịch vụ so với việc mua sắm những hàng hóa và dịch vụ khác có cùng chức năng theo cách thông thường. Ở Việt Nam hiện nay đã có những quy định về khuyến khích thực hiện MSCX, nhưng những văn bản liên quan trực tiếp đến MSCX vẫn còn khá ít, như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP (NĐ63).

Đối với Luật Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính hàng năm chủ trì việc xây dựng kế hoạch sử dụng ngân sách, kế hoạch phân bổ ngân sách trung ương cho năm tiếp theo và trình Chính phủ trên cơ sở kế hoạch chi ngân sách của cơ quan trung ương và địa phương. Tương tự, Luật Đấu thầu phân quyền quản lý quá trình mua sắm và đưa ra một định nghĩa rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của từng cấp chính quyền. Tại NĐ63 cũng đã quy định chi tiết việc thực thi Luật Đấu thầu, trong đó quy định về tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu nêu tại Điều 12 Nghị định đã bao gồm tiêu chí tác động môi trường và giải pháp.

Tại các chiến lược và kế hoạch phát triển bền vững, Việt Nam đã ban hành nhiều chiến lược và kế hoạch quốc gia thúc đẩy việc thực hiện MSCX như: chiến lược quốc gia về phát triển bền vững (2011 - 2020); chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (2011 - 2020)… Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã quy định khuôn khổ pháp lý tổng hợp đối với các hoạt động bảo vệ môi trường. Cụ thể, Điều 44 đã quy định người đứng đầu cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước phải ưu tiên mua sắm các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, được dán nhãn sinh thái.

Một công cụ có lợi cho người mua và nhà cung cấp

Ông Ik Kim đến từ Công ty Smart ECO (Hàn Quốc) cho rằng, MSCX là một công cụ có lợi cho cả hai bên (người mua và nhà cung cấp) nhằm thúc đẩy các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Trên bình diện chung, khả năng triển khai MSCX ở Việt Nam là tương đối thuận lợi. Bởi vì, khung pháp lý về cơ bản đã có; quy chế và quy trình mua sắm đấu thầu đã được luật hóa; chưa nói MSCX hiện nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác, tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nói trên, những khó khăn khi triển khai MSCX ở Việt Nam không phải ít. Trong đó, việc thiếu tính liên kết giữa các văn bản pháp luật; quy chế và quy trình đấu thầu còn thiếu sự liên kết, điều phối giữa các cơ quan chủ quản; thiếu hướng dẫn cụ thể về MSCX; thiếu các văn bản mang tính bắt buộc đối với thực hiện MSCX; hạn chế về nhận thức và năng lực đã làm cho khả năng triển khai chưa như mong đợi.

Nhiều ý kiến tham gia Hội thảo cho hay, MSCX không thể triển khai độc lập. Nghĩa là, để MSCX bền vững, trước hết cần có các chính sách không phân biệt đối xử; khung chính sách thuận lợi và hệ thống mua sắm hoàn chỉnh, minh bạch; chính sách thúc đẩy tiêu dùng bền vững; chính sách sản xuất bền vững; chính sách và quy định bảo vệ môi trường cụ thể; quy định rõ tại Bộ luật Lao động...

Muốn được như vậy, theo ông Nguyễn Minh Cường, cần có sự tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn; ban hành kế hoạch hành động quốc gia về MSCX; thúc đẩy phát triển các chương trình nhãn sinh thái; các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ; tăng cường hợp tác quốc tế; tăng cường nhận thức; triển khai các hoạt động thí điểm về MSCX. Thông thường, các thành phần của MSCX bao gồm: khía cạnh môi trường, khía cạnh kinh tế, khía cạnh xã hội. Lợi ích của MSCX sẽ được phát huy tối đa mỗi khi các thành phần của MSCX được triển khai hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra thuộc Tổng cục Môi trường cho biết, chương trình cấp nhãn sinh thái của Việt Nam (Nhãn xanh Việt Nam) được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt năm 2009 theo Quyết định số 253/QĐ-BTNMT ngày 5/3/2009. Mục tiêu là nhằm tăng cường sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường thông qua việc khuyến khích các hình mẫu sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường được Nhà nước đánh giá, chứng nhận. Nếu cả người mua và nhà cung cấp cùng chung chí hướng thì hoạt động MSCX ở Việt Nam sẽ tiến triển tích cực.

Chuyên đề