Mở gói thầu lùm xùm tại Sở GD&ĐT Hà Giang: Nhà thầu kiến nghị không nộp hồ sơ dự thầu

(BĐT) - Gói thầu số 03 Mua sắm trang thiết bị đồ dùng cho các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, THCS, THPT công lập có học sinh bán trú năm 2018 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang làm chủ đầu tư vừa được mở thầu qua mạng. Gói thầu này có giá hơn 49 tỷ đồng, trước đó bị 2 nhà thầu phản ánh hồ sơ mời thầu (E-HSMT) đưa ra yêu cầu cao, làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu.
Gói thầu mua sắm trang thiết bị đồ dùng cho các trường học tại Hà Giang trị giá trên 49 tỷ đồng. Ảnh minh họa: NC st
Gói thầu mua sắm trang thiết bị đồ dùng cho các trường học tại Hà Giang trị giá trên 49 tỷ đồng. Ảnh minh họa: NC st

Gói thầu nêu trên sử dụng vốn ngân sách nhà nước, được đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng, theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Bảo đảm dự thầu trị giá 1,4 tỷ đồng. Phương pháp đánh giá về kỹ thuật là đạt - không đạt, đánh giá về giá là phương pháp giá thấp nhất.

Theo Biên bản mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật thì có 2 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (E-HSDT), gồm: Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Ngọc Diệp; Liên danh Công ty TNHH Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Tràng An - Công ty CP Vật tư Thiết bị Phương Nam. Cả 2 nhà thầu đều có hiệu lực hồ sơ đề xuất kỹ thuật là 180 ngày, hiệu lực của bảo đảm dự thầu là 210 ngày và thời gian thực hiện hợp đồng là 90 ngày.

Trong thời gian phát hành E-HSMT, có 2 nhà thầu đã nhiều lần yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang làm rõ E-HSMT. Theo phản ánh của nhà thầu tới Báo Đấu thầu, E-HSMT có nhiều điểm không hợp lý, làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Chẳng hạn E-HSMT đưa ra tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật: “Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001:2007 và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN12-3:2011/BYT”. Theo Nhà thầu, yêu cầu này của E-HSMT là không phù hợp, yêu cầu cao, làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu vì OHSAS 18001 áp dụng với những ngành nghề có nhiều khả năng/mối nguy gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động như: thi công xây dựng, sản xuất hóa chất, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất đồ chơi trẻ em, luyện kim… Còn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN12-3:2011/BYT áp dụng đối với vệ sinh an toàn của bao bì, dụng cụ bằng kim loại tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Trong khi đó, sản phẩm cần mua trong E-HSMT đều rất thông dụng, có sẵn trên thị trường...

Trước thời điểm đóng/mở thầu, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đã có văn bản làm rõ, trong đó bảo lưu ý kiến về các quy định của E-HSMT. Theo đó, Sở khẳng định, E-HSMT đưa ra tiêu chí hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001:2007 và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN12-3:2011/BYT là đúng quy định. OHSAS 18001:2007 áp dụng cho mọi ngành có nguy cơ, rủi ro về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Quy định này giúp cho doanh nghiệp nâng cao tinh thần làm việc của nhân viên, đảm bảo doanh nghiệp đáp ứng đủ các yêu cầu của pháp luật liên quan đến an toàn và sức khỏe, ngăn ngừa những vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm với người lao động...

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang cũng cho biết, sở dĩ E-HSMT đưa ra Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN12-3:2011/BYT về vệ sinh an toàn với bao bì, dụng cụ bằng kim loại tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm cho các mặt hàng bàn ăn 6 chỗ và tủ cơm ga 70 kg là vì trong quá trình nấu cơm, gạo và khay nấu của tủ cơm ga tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Còn sở dĩ áp dụng quy định này với mặt hàng bàn ăn 6 chỗ là nhằm phòng tránh mọi trường hợp trong quá trình sử dụng có khả năng tiếp xúc giữa thức ăn, thực phẩm với bàn ăn.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, cả 2 nhà thầu có đề nghị làm rõ E-HSMT, phản ánh về tiêu chí cao, không hợp lý của E-HSMT đều không nộp E-HSDT. 2 nhà thầu nộp E-HSDT có địa chỉ tại Hà Nội và từng trúng nhiều gói thầu cung cấp thiết bị, đồ dùng cho trường học, cơ quan nhà nước.

Chuyên đề