Mở cánh cửa cho nhà thầu Việt vươn ra thế giới

(BĐT) - Những năm gần đây, nhiều nhà thầu Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc cả về trình độ quản lý lẫn kỹ thuật thi công, thành công trong việc thay thế nhà thầu ngoại trên “sân nhà” ở những dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ - mỹ thuật cao. 
Các nhà thầu Việt đã có những bước tiến vượt bậc trong việc thay thế nhà thầu ngoại trong vai trò tổng thầu ở nhiều dự án lớn. Ảnh: Tiên Giang
Các nhà thầu Việt đã có những bước tiến vượt bậc trong việc thay thế nhà thầu ngoại trong vai trò tổng thầu ở nhiều dự án lớn. Ảnh: Tiên Giang

Chia sẻ với Báo Đấu thầu nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, các nhà thầu bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía Chính phủ, các cơ quan quản lý trong việc chấn chỉnh các tiêu cực trong đấu thầu, hỗ trợ nhà thầu Việt vươn ra thế giới, cạnh tranh tại thị trường nước ngoài, tiếp tục phát triển ngày càng lớn mạnh.

Mở cánh cửa cho nhà thầu Việt vươn ra thế giới ảnh 1
Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành xây dựng đổi mới công nghệ
Ông Lê Viết Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Ngành xây dựng Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập với kinh tế thế giới. Chỉ trong một thời gian ngắn, ngành đã có những bước tiến vượt bậc cả về trình độ quản lý lẫn công nghệ kỹ thuật thi công và đã thành công trong việc thay thế nhà thầu ngoại trong vai trò tổng thầu ở nhiều dự án lớn có yêu cầu kỹ - mỹ thuật cao, những dự án "siêu sao" tại thị trường trong nước. Những công ty dẫn đầu đã nhanh chóng trưởng thành và nay đã sẵn sàng cho việc xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp ra thị trường nước ngoài, với chất lượng cao, đặc biệt trong việc xây dựng những công trình nhà ở cao tầng.

Cơ hội và tiềm năng rõ ràng là rất lớn, nhưng chúng tôi cũng hiểu rõ những thách thức không hề nhỏ, bởi bên cạnh những lợi thế, chúng ta vẫn còn một số mặt còn hạn chế, yếu kém. Để vượt qua những thách thức đó, chúng ta cần phải có một chiến lược mang tầm vóc quốc gia, có sự hợp lực theo một hướng đi chung với cùng một quyết tâm và nỗ lực vượt bậc thì mới có thể đạt được sự thành công.

Chúng tôi mong muốn Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt yêu cầu các bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình soạn thảo kế hoạch và chương trình hành động cụ thể nhằm phục vụ cho mục tiêu cung cấp thật dồi dào những thông tin thiết yếu; tạo thêm thật nhiều cơ hội, những điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp (DN) xây dựng Việt Nam phát triển lớn mạnh; tìm những phương thức giải quyết mọi thủ tục nhanh chóng, thuận lợi nhất khi DN xây dựng đầu tư ra nước ngoài, giản lược tối đa các thủ tục thành lập DN ở nước ngoài, thủ tục chuyển ngân, thủ tục xuất cảnh cho nguồn nhân lực, xuất khẩu vật liệu, trang thiết bị thi công...

Chính phủ có chính sách hỗ trợ DN ngành xây dựng đổi mới công nghệ, kỹ thuật và phương thức quản lý; khuyến khích phát triển theo hướng chuyên môn hoá thật sâu trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, tránh sự dàn trải ngay trong ngành của mình. Đặc biệt, chú trọng xây dựng văn hóa DN lành mạnh, biết chia sẻ, biết tích hợp tinh hoa và đầy tinh thần sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng những thành tựu từ Cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo theo kịp sự tiến bộ của thế giới.

Mở cánh cửa cho nhà thầu Việt vươn ra thế giới ảnh 2
Đảm bảo các tiêu chí của hồ sơ mời thầu phải khách quan, minh bạch

Ông Đào Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1

Hiện nay, các bên trong đấu thầu (người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu...) chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định; quá trình thực hiện lựa chọn nhà thầu còn thiếu cạnh tranh, minh bạch, đặc biệt là đối với các gói thầu sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nhiều hồ sơ mời thầu (HSMT) các gói thầu lớn vẫn diễn ra tình trạng cài cắm các tiêu chí “hiểm”, lạ, “trên trời”, thiếu tính cạnh tranh để nhằm loại bỏ các nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm, vi phạm nghiêm trọng các quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhà thầu. Vì thế, để giảm thiểu sự bưng bít trong đấu thầu, tạo lợi thế cho nhà thầu “quen”, “ruột” trúng thầu thì các cơ quan chức năng cần có các biện pháp buộc các chủ đầu tư/bên mời thầu phải công khai HSMT qua mạng, đảm bảo các tiêu chí mời thầu là khách quan và minh bạch.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 47/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Những DN có năng lực và làm ăn chân chính rất mong muốn Chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, có các cơ quan chức năng giám sát việc thực thi, đem lại cơ hội việc làm thực sự cạnh tranh và lành mạnh cho DN.

Mở cánh cửa cho nhà thầu Việt vươn ra thế giới ảnh 3
Khơi thông các nguồn lực đầu tư cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển XD và TM Thuận An

Năm mới, vận hội mới, DN đặt nhiều hy vọng về những nỗ lực cải cách của Chính phủ sẽ đem đến những cơ hội đầu tư, kinh doanh mới cho DN. DN mong muốn các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương sẽ nỗ lực, đồng hành cùng với Chính phủ trong việc tạo thuận lợi, nâng cao sức cạnh tranh cho DN, nói đi đôi với làm để DN yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động; khuyến khích DN đổi mới sáng tạo và mạnh dạn đầu tư.

Chính phủ cũng cần thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp để tạo thuận lợi tối đa cho DN; đồng thời giảm bớt hoạt động thanh tra, kiểm toán để tạo sự chủ động hơn cho DN. Hiện nay, trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, số lượng công trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước giảm, việc cạnh tranh các cơ hội việc làm giữa các DN hết sức khốc liệt. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần có các giải pháp để huy động, khơi thông và mở rộng các nguồn lực đầu tư, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho DN, tạo hành lang pháp lý và cơ chế minh bạch để DN tồn tại và phát triển.

Mở cánh cửa cho nhà thầu Việt vươn ra thế giới ảnh 4
Cần kiên quyết dẹp bỏ nạn “thầu tặc”

Ông Bùi Quang Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân

Hy vọng trong năm 2018, Chính phủ sẽ tiếp tục có những chính sách mới nhằm đơn giản thủ tục trong đấu thầu, tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp (DN) tham gia đấu thầu; đồng thời kiên quyết dẹp bỏ nạn “thầu tặc” để không làm ảnh hưởng đến sự cạnh tranh lành mạnh của các nhà thầu chân chính.

Thực tiễn đấu thầu hiện nay đòi hỏi cần hơn nữa sự minh bạch, công khai trong quá trình lập hồ sơ mời thầu (HSMT). Các cơ quan chức năng cũng cần có các biện pháp để chấn chỉnh và giảm thiểu tình trạng không bán HSMT hoặc né tránh bán HSMT của một số chủ đầu tư/bên mời thầu, đảm bảo quyền lợi chính đáng, bình đẳng của các nhà thầu.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có các giải pháp cụ thể để bố trí đủ vốn cho từng công trình, tránh tình trạng công trình đang làm thì hết vốn; đồng thời, phải giám sát chặt việc mở rộng tràn lan các dự án, gây lãng phí tiền của của nhân dân, mà công trình không có hiệu quả sau đầu tư.

Cùng với đó, chính quyền và chủ đầu tư cần hoàn thiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng trước khi triển khai đấu thầu hoặc trước khi triển khai dự án, tránh việc chủ đầu tư phát lệnh khởi công xong thì không có mặt bằng hoặc mặt bằng bị “xôi đỗ” làm ảnh hưởng đến việc thi công của nhà thầu, kéo dài thời gian thi công, gây lãng phí cho nhà thầu nói riêng và xã hội nói chung.

Công tác lựa chọn nhà thầu lâu nay vẫn là một lĩnh vực ẩn chứa nhiều yếu tố nhạy cảm, có thể gây nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn. Để đấu thầu thực sự là sân chơi cạnh tranh, công bằng với tất cả nhà thầu, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và sự quyết tâm minh bạch từ chính bên mời thầu và nhà thầu.

Mở cánh cửa cho nhà thầu Việt vươn ra thế giới ảnh 5
Kỳ vọng sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu

Bà Hoàng Thị Minh Sinh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Hoàng An

Luật Đấu thầu 2013, Nghị định số 63/NĐ-CP và các thông tư, văn bản hướng dẫn đang tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc lựa chọn nhà thầu của các chủ đầu tư/bên mời thầu. Các nhà thầu trong thời gian qua cũng đã quan tâm nhiều đến việc nâng cao năng lực, củng cố uy tín cũng như tăng tính chuyên nghiệp khi lập hồ sơ dự thầu. Với thực tế này, đáng lẽ công tác lựa chọn nhà thầu sẽ ngày càng khởi sắc, bởi các chủ đầu tư/bên mời thầu có thể dễ dàng tìm được ứng viên xuất sắc nhất. Tuy nhiên, do vẫn còn lợi ích nhóm nên ở nhiều gói thầu, việc loại nhà thầu, hủy thầu vẫn chưa phù hợp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của nhà thầu.

Năm 2018, chúng tôi kỳ vọng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý, trách nhiệm giải trình và giám sát trong đấu thầu được coi trọng, việc lựa chọn nhà thầu sẽ trở nên công khai, hiệu quả và cạnh tranh hơn. Có như vậy, tinh thần cốt yếu của Luật Đấu thầu là để lựa chọn nhà thầu chứ không phải loại bỏ nhà thầu mới phát huy giá trị. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn sự đánh giá khách quan, tuân thủ nghiêm các quy định về đấu thầu của các bên mời thầu sẽ giúp các nhà thầu có năng lực thực sự có thêm nhiều cơ hội cung cấp sản phẩm, dịch vụ, tiết kiệm cao cho ngân sách nhà nước.

Mở cánh cửa cho nhà thầu Việt vươn ra thế giới ảnh 6

Mong có được sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà thầu

Ông Vũ Xuân Lưu, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng nội thất Phúc Tấn

Chúng tôi và những nhà thầu chuyên cung cấp thiết bị trường học, nội thất văn phòng thường xuyên đi đấu thầu và nhận thấy tại nhiều đơn vị mời thầu, chủ đầu tư vẫn còn coi nhẹ kỷ cương, pháp luật về đấu thầu. Sự bất chấp quy định về đấu thầu từ đại diện một số chủ đầu tư đã khiến cho môi trường kinh doanh bị méo mó.

Do đó, các nhà thầu rất vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 47/CT-TTg nhằm chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Chúng tôi hy vọng năm 2018, nhờ sự vào cuộc của người đứng đầu Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, các nhà thầu sẽ thực sự được cạnh tranh bình đẳng với nhau.

Mở cánh cửa cho nhà thầu Việt vươn ra thế giới ảnh 7
Nhà thầu trong nước có nhiều cơ hội tham gia đấu thầu quốc tế

Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc điều hành Công ty CP Xây lắp dầu khí miền Nam

DN Việt Nam, đặc biệt là DN tư nhân, hiện còn nhiều khó khăn, nhưng rất ít nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn hay đổi mới khoa học công nghệ, ứng dụng, đầu tư phát triển các công nghệ mới. Nếu Nhà nước quan tâm đến thành phần kinh tế tư nhân bằng cách hỗ trợ về lãi suất, điều kiện được vay vốn, chắc chắn sẽ tạo cơ hội cho các DN mở rộng đầu tư, trang bị các thiết bị công nghệ tiên tiến. Có như vậy, DN mới cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Hy vọng với công cuộc đổi mới hiện nay, cơ hội cho các DN tư nhân tiếp cận tốt hơn với môi trường đấu thầu, cũng như cạnh tranh toàn cầu sẽ ngày càng nhiều.

Theo tôi, nước ta cần phải hướng đến việc phát triển một thị trường kinh doanh chuẩn mực, đó sẽ là nền tảng cho tất cả các ngành nghề, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN, các thành phần kinh tế, và đem đến cơ hội phát triển các ngành nghề khác. Đặc biệt, vấn đề thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước phải được thực hiện một cách nghiêm túc, vì hiện nay vẫn có tình trạng hình sự hóa rất nhiều các hành vi của cán bộ công chức cũng như của các doanh nhân, DN. Điều này dẫn đến tâm lý lo sợ cả trong giới công chức lẫn giới doanh nhân, biến thành một trong những cản trở rất lớn đối với sự phát triển.

Riêng về định hướng kinh doanh của DN, trong năm 2018, DN chúng tôi có triển vọng phát triển rất lớn. Các nhà đầu tư đến từ Nhật, Trung Quốc, Mỹ, với các nhóm dự án trong lĩnh vực dầu khí, hóa dầu, điện gió, thép sẽ được triển khai lắp đặt trong các năm 2018 - 2019 - 2020. Đây là những cơ hội tạo ra việc làm rất tốt cho các DN trong nước, đặc biệt là những DN trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo cũng như dịch vụ chế tạo cung cấp cho lĩnh vực dầu khí.

Về lĩnh vực đấu thầu, là một trong những DN đang tham gia vào môi trường cạnh tranh quốc tế, chúng tôi có những gói về thiết bị, phải cạnh tranh với nhiều DN đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore để làm cho khách hàng châu Âu. Chỉ khi có đủ năng lực, sản phẩm được tạo ra có chất lượng, giá thành hạ, DN mới cạnh tranh được trong môi trường quốc tế.

Chuyên đề