Lượng giá các chi phí để nâng hiệu quả đầu tư công

BĐT- Các công cụ đánh giá tính cần thiết và hiệu quả của dự án đầu tư công bằng phương pháp lượng giá cần được áp dụng phổ biến hơn tại các dự án đầu tư công.
Dự án Đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ chỉ thực hiện phân tích tài chính mà không có phân tích về kinh tế. Ảnh: Tiên Giang
Dự án Đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ chỉ thực hiện phân tích tài chính mà không có phân tích về kinh tế. Ảnh: Tiên Giang

Đây là khuyến nghị của nhiều chuyên gia kinh tế nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư và chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

Phân tích dự án cả về tài chính và kinh tế

Báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, so sánh tất cả chi phí và lợi ích (quy đổi bằng tiền) phát sinh do dự án sắp tiến hành hoặc dự án đã tiến hành – CBA là một phương pháp quan trọng nhằm xác định tính cần thiết trong triển khai một dự án đầu tư công.

Với một dự án hạ tầng giao thông đô thị quy mô lớn mà chỉ phân tích tài chính thì không đủ. Dự án cần có bước đánh giá CBA kỹ lưỡng để đem lại hiệu quả cao nhất Ông Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Theo nghiên cứu vừa được Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM công bố ngày 16/12/2015, qua phân tích của các chuyên gia từ nhóm các dự án đầu tư công trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị tại TP.HCM cho thấy, đa số các dự án đều không được thực hiện CBA, trừ một số ít dự án có nguồn vốn ODA hoặc vốn vay của các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB…). Đáng chú ý, một số dự án ODA trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị tại TP.HCM được đánh giá cao qua những công trình cụ thể như Nâng cấp đô thị TP.HCM, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Đại lộ Đông - Tây, nhưng một số dự án có mức độ ảnh hưởng lớn (cả về tính chất lẫn quy mô), nhất là những dự án từ nguồn ngân sách nhà nước, lại bị đánh giá là kém hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội.

Ông Phạm Trần Hải, Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM dẫn chứng, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ theo hình thức hợp đồng BOT là một câu chuyện sâu sắc với nhiều bài học cho cả Thành phố và nhà đầu tư. Dự án chỉ thực hiện phân tích tài chính chứ không có phân tích về kinh tế. Các yếu tố nhận dạng và lượng giá các loại chi phí, lợi ích, xác định rủi ro đều chưa được quan tâm đúng mức. “Với một dự án hạ tầng giao thông đô thị quy mô lớn mà chỉ phân tích tài chính thì không đủ. Dự án cần có bước đánh giá CBA kỹ lưỡng để đem lại hiệu quả cao nhất”, ông Phạm Trần Hải nhận định. 

Cấp thiết trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp

Việc áp dụng CBA đối với các dự án đầu tư công ở các nước phát triển đã trở nên phổ biến và bắt buộc từ nhiều thập kỷ nay. Ở Anh, Bộ Tài chính khuyến cáo, đối với tất cả các chính sách, chương trình và dự án đầu tư công, nếu có thể, cần lượng giá các lợi ích và rủi ro bằng cách quy thành tiền. Ở Hoa Kỳ, từ thập niên 80 của thế kỷ XX, việc áp dụng CBA đã là quy định bắt buộc đối với tất cả các dự án đầu tư bằng tiền ngân sách liên bang. Ở Australia, việc thực hiện CBA là quy định bắt buộc và chi phí thực hiện được lấy từ ngân sách nhà nước.

Tại Việt Nam, việc áp dụng CBA càng có tính cấp thiết vì sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công trong hoàn cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà CBA hiện nay vẫn chưa được áp dụng ở nhiều dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng đô thị. Điều này được lý giải là do chưa có quy định pháp lý rõ ràng về việc bắt buộc áp dụng CBA, và việc áp dụng CBA đối với dự án ODA hoặc vốn vay của các tổ chức tài chính quốc tế phụ thuộc vào quy định của nhà tài trợ. Lý do khác nữa là do việc thực hiện CBA một cách đầy đủ và nghiêm túc thường tốn khá nhiều thời gian và đòi hỏi các tổ chức, chuyên gia tư vấn phải có năng lực chuyên môn và bề dày kinh nghiệm nhất định.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, nếu huy động toàn bộ nguồn lực để phát triển hạ tầng của TP.HCM như quy hoạch tổng thể thì cũng chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu thực tế đặt ra. Do đó, việc so sánh tất cả chi phí và lợi ích quy đổi bằng tiền khi bắt đầu triển khai các dự án đầu tư công là vô cùng quan trọng, vì khi sử dụng phương pháp này, chính quyền đã tự lọc ra được dự án nào nên thực hiện theo hình thức đầu tư công, dự án nào để tư nhân tham gia mới hiệu quả. “Căn bệnh tăng quy mô đầu tư thời gian qua đã gây ra rất nhiều lãng phí cho ngân sách. Thể chế hóa việc áp dụng đánh giá CBA sẽ góp phần hạn chế tình trạng này. Đồng thời, tạo nên tính minh bạch rất cao khi người có thẩm quyền sẽ cân nhắc giữa công và tư khi triển khai. Việc coi trọng bước đánh giá CBA trong triển khai các dự án đầu tư công sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư trên cơ sở nhận dạng và lượng hóa các loại chi phí và lợi ích của dự án”, đại diện Ban Kinh tế Trung ương khẳng định.

Chuyên đề