Lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP, sử dụng đất: Chỉ định thầu chiếm tỷ lệ lớn

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, năm 2018 trên cả nước có tổng số 434 dự án  lựa chọn nhà đầu tư (gồm 90 dự án PPP và 344 dự án đầu tư có sử dụng đất) thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP và Nghị định số 63/2018/NĐ-CP.
Năm 2018 có 27 địa phương thực hiện 344 dự án đầu tư có sử dụng đất, trong đó tỉnh Quảng Ninh có 48 dự án. Ảnh: Tường Lâm
Năm 2018 có 27 địa phương thực hiện 344 dự án đầu tư có sử dụng đất, trong đó tỉnh Quảng Ninh có 48 dự án. Ảnh: Tường Lâm

Theo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, số dự án PPP năm 2018 được triển khai thực hiện tăng 37 dự án so với năm 2017; số địa phương triển khai thực hiện dự án PPP cũng tăng từ 15 đơn vị (năm 2017) lên 24 đơn vị (năm 2018). Các dự án PPP được triển khai thực hiện chủ yếu tập trung ở các tỉnh như: Quảng Ninh (11 dự án); Bắc Ninh (9 dự án); Nghệ An (8 dự án); An Giang (7 dự án); Thanh Hóa (7 dự án).

Việc thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất được triển khai khá phổ biến trên phạm vi cả nước. Năm 2018 có 27 địa phương thực hiện 344 dự án đầu tư có sử dụng đất, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh Quảng Ninh (48 dự án); Hải Dương (39 dự án); Thanh Hóa (33 dự án); Bắc Ninh (30 dự án); Hà Nam (30 dự án).

Về tiến độ thực hiện, trong số 90 dự án PPP triển khai trong năm 2018 thì có 34 dự án đã ký hợp đồng; 23 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư; 24 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và 9 dự án đã công bố danh mục dự án (chưa tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư).

Nếu phân chia theo lĩnh vực đầu tư thì có 44/90 dự án PPP thuộc lĩnh vực giao thông, 7 dự án thuộc lĩnh vực cung cấp nước sạch, 5 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng đô thị, 5 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục…

Việc phần lớn các dự án áp dụng hình thức chỉ định thầu (với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển) và không có nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn cho thấy, các dự án PPP hay các dự án đầu tư có sử dụng đất tại Việt Nam chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Có 83 trong số 90 dự án PPP có thông tin về loại hợp đồng, trong đó có 51 hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao); 14 dự án áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), còn lại là các loại hợp đồng BLT, BOO, O&M, kết hợp BOT và BLT.

Theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư, trong số 71 dự án PPP đã xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư, có 22 dự án đấu thầu rộng rãi  và 48 dự án chỉ định thầu. Trong số 48 dự án chỉ định thầu, có tới 44 dự án chỉ có 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ tuyển.

Đối với 344 dự án đầu tư có sử dụng đất trong năm 2018, Bộ KH&ĐT cho biết, có 68 dự án đã ký hợp đồng, 43 dự án đã lựa chọn nhà đầu tư, 159 dự án đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư, 72 dự án đã công bố danh mục dự án và 2 dự án chưa có thông tin.

Trong số 264 dự án đầu tư có sử dụng đất đã xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư, có 107 dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi (chiếm 41%); 157 dự án áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư (chiếm 59%). Riêng đối với hình thức chỉ định nhà đầu tư, có 154 dự án chỉ định nhà đầu tư do chỉ có 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ tuyển.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, trong tổng số 335 dự án đã xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư (71 dự án PPP và 264 dự án đầu tư có sử dụng đất), số dự án áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư chiếm tỷ lệ cao với 61% (chỉ định nhà đầu tư với dự án PPP là 69% và đối với dự án đầu tư có sử dụng đất là 59%). Đặc biệt, đối với các dự án BT, tỷ lệ áp dụng chỉ định thầu lên tới 94% (34/36 dự án BT áp dụng chỉ định  nhà đầu tư).

Việc phần lớn các dự án áp dụng hình thức chỉ định thầu (với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển) và không có nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn cho thấy, các dự án PPP hay các dự án đầu tư có sử dụng đất tại Việt Nam chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Một trong những lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là các dự án chưa được nghiên cứu kỹ, thông tin thiếu công khai, minh bạch hoặc tính khả thi không cao. Do đó, các nhà đầu tư e dè, nghi ngại, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, làm giảm sự cạnh tranh trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát, hiệu quả dự án kém do chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực.

Chuyên đề