Lạm quyền trong chỉ định thầu

(BĐT) - Gần đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận sai phạm của một số cán bộ lãnh đạo, trong đó có cả lãnh đạo cấp cao. Đáng chú ý, một trong nhiều sai phạm được công bố có liên quan đến chỉ định thầu.
Lạm quyền trong chỉ định thầu

Vào tháng 5/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, ông Đinh La Thăng trong giai đoạn làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từ năm 2009 - 2011 đã ký ban hành Nghị quyết số 233 dẫn đến việc Ban tổng giám đốc Tập đoàn và các đơn vị thành viên chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật. Ông Đinh La Thăng cũng đã ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ định nhiều gói thầu không đảm bảo quy định của pháp luật, vi phạm Luật Đấu thầu năm 2005…

Tháng 9/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng công bố nhiều khuyết điểm, vi phạm của Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 (người đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND Thành phố Huỳnh Đức Thơ), trong đó có việc đã ban hành quyết định chủ trương cho chỉ định thầu 4/6 dự án xây dựng trụ sở các cơ quan, vi phạm Luật Đấu thầu 2013. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, đến nay 4 công trình được chỉ định thầu trái luật này đã hoàn thành như Trụ sở Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng, Trụ sở Ban Nội chính thành phố Đà Nẵng; Trụ sở Ban Tổ chức Thành ủy…

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một  chuyên gia về đấu thầu cho rằng, việc sai phạm của các lãnh đạo đều ít nhiều “dính” đến đấu thầu nói chung, chỉ định thầu nói riêng, cho thấy đây là lĩnh vực hết sức nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều góc khuất. Nếu chỉ định thầu thiếu cơ sở hoặc đấu thầu thiếu công khai, minh bạch sẽ nảy sinh tiêu cực, dễ dẫn đến lạm quyền vì các mục đích khác nhau.

Thực tế cho thấy, những hành vi vi phạm pháp luật nhiều khi không được phát hiện kịp thời, phát hiện khi “sự đã rồi”, công trình đã hoàn thành, thậm chí là đã đưa vào sử dụng một thời gian dài. Vì thế, hệ lụy để lại cho xã hội rất lớn. Nguyên nhân là, việc giám sát rất hình thức, thờ ơ, thậm chí là bưng bít thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, của bộ, ngành liên quan với các sai phạm về đấu thầu. Chính việc quản lý lỏng lẻo, bao che, khép kín của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, bộ, ngành đã tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu, thậm chí là tạo điều kiện để các lãnh đạo lạm dụng quyền lực, dùng ảnh hưởng địa vị cá nhân để can thiệp bất hợp pháp vào công tác đấu thầu.

Những sai phạm của cán bộ lãnh đạo liên quan đến đấu thầu được công bố chính là lời cảnh báo đối với những chủ đầu tư, bên mời thầu thiếu công khai, minh bạch.

Chuyên đề