Kiến nghị đấu thầu cạnh tranh dự án BOT

(BĐT) - Nhiều ý kiến từ Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho rằng, một giải pháp quan trọng để hạn chế những tồn tại trong dự án BOT như thời gian qua là phải tăng cường đấu thầu cạnh tranh một cách thực chất để lựa chọn nhà đầu tư. 
Đấu thầu cạnh tranh là giải pháp quan trọng để ngăn chặn tham nhũng, hạn chế thất thoát tại các dự án PPP. Ảnh: Nhã Chi
Đấu thầu cạnh tranh là giải pháp quan trọng để ngăn chặn tham nhũng, hạn chế thất thoát tại các dự án PPP. Ảnh: Nhã Chi

Đây cũng là kinh nghiệm từ nhiều nước đã áp dụng thành công mô hình PPP nói chung, BOT nói riêng.

100% chỉ định thầu

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, trong giai đoạn trước năm 2015, công tác lựa chọn nhà đầu tư ở tất cả các dự án BOT giao thông đều áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN cũng khẳng định, thực tế hiện nay toàn bộ các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT được kiểm toán đều chỉ định nhà đầu tư, do đó chưa thể hiện sự minh bạch, hiệu quả trong đầu tư và thực hiện dự án; chưa tạo ra cơ chế cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, giá thành xây dựng thấp và thời gian hoàn vốn hợp lý nhất. Vì lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, trong khi phương án tài chính của dự án chỉ được xác định qua bước thương thảo hợp đồng, nên không có sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư.

Ngoài ra, KTNN cho rằng, với các dự án BOT không có sự tham gia của vốn nhà nước, nhà đầu tư dự án BOT được toàn quyền chỉ định nhà thầu, định giá các sản phẩm xây dựng và dịch vụ tư vấn đi kèm trong quá trình đầu tư, tạm ứng vốn đầu tư cho nhà thầu (nếu có); thao túng quy trình đầu tư, hạn chế đáng kể những tiêu chuẩn, quy chuẩn cần phải có để áp dụng vào công trình...

Cần đấu thầu thực chất

Theo ông Nguyễn Hồng Trường, hạn chế về chỉ định thầu đã được khắc phục sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai trong một năm qua cho thấy, nhiều dự án PPP dù thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, đều đưa ra sơ tuyển rộng rãi nhưng chỉ mang tính hình thức, nhà đầu tư nào nhìn vào cũng nghi ngại dự án đã có chủ, nên không tham gia. Và cuối cùng, dự án lại được chỉ định nhà đầu tư theo đúng quy định!

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, cần công khai, minh bạch thông tin dự án BOT trước khi có chủ trương đầu tư. Sau đó, đấu thầu rộng rãi, cạnh tranh thực chất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Chỉ khi đấu thầu rộng rãi, các nhà đầu tư sẽ phải cạnh tranh nhau trên các tiêu chí quan trọng như chi phí đầu tư xây dựng, lợi nhuận nhà đầu tư, lãi suất vay huy động, mức phí thu, thời gian thu phí hoàn vốn…, giảm tối đa các chi phí để được thắng thầu.

Bộ GTVT kiến nghị Bộ KH&ĐT có kế hoạch tổng kết thực hiện Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP làm cơ sở để nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật PPP, tạo cơ sở pháp lý cao nhất, thống nhất, đồng bộ cho hoạt động thu hút vốn tư nhân đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông…

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị nên có Luật PPP để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm tham gia đầu tư vào các dự án này tại Việt Nam.

Chuyên gia của KTNN khuyến nghị, trường hợp các nhà đầu tư trong nước hạn chế về năng lực thì cần có cơ chế, hoàn thiện pháp lý để kêu gọi thêm các nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhằm nâng cao tính cạnh tranh của các gói thầu.

Ngoài ra, sau khi lựa chọn được nhà đầu tư cũng cần thực hiện công khai các thông tin cơ bản khác, như thông tin về thời gian hoàn vốn, mức hoàn vốn theo từng năm, thông số chính về lưu lượng xe trong một ngày, đêm,… Tại hồ sơ mời thầu, cần có yêu cầu đối với nhà đầu tư về cam kết đảm bảo công khai, minh bạch, thực hiện chế độ báo cáo các dữ liệu tài chính cho các cơ quan liên quan.

Đấu thầu cạnh tranh cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công trong các dự án PPP nói chung, BOT nói riêng tại nhiều nước. Tại Philippines đấu thầu cạnh tranh được xác định là hình thức chủ yếu. Còn ở Malaysia, một trong 5 nguyên nhân dẫn đến thất bại trong việc thực hiện các dự án PPP trước đây là sự thiếu minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Vì vậy, đối với các dự án BOT đường cao tốc tiếp theo, Malaysia bắt buộc thực hiện quy trình đấu thầu cạnh tranh, đồng thời công khai các quyết định có liên quan của Chính phủ.

Kinh nghiệm ở nhiều nước đều cho thấy, để dự án BOT đạt được sự hài hòa lợi ích, cần tăng cường áp dụng đấu thầu cạnh tranh một cách công khai, minh bạch để lựa chọn được nhà đầu tư tư nhân có năng lực; hạn chế hình thức chỉ định thầu bằng cách đề ra các giới hạn, điều kiện và tiêu chí chặt chẽ đối với các trường hợp được áp dụng hình thức này và thực hiện nghiêm quy định, cũng như không có ngoại lệ.

Chuyên đề