Khi tư vấn tiếp tay cản trở hàng Việt

(BĐT) - Đẩy mạnh sử dụng hàng Việt trong đấu thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước là một chủ trương lớn được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, một số tư vấn đấu thầu vì nhiều nguyên nhân không chính đáng mà cố tình “cản trở hàng Việt”...
Cần chế tài xử lý nghiêm các tư vấn, chủ đầu tư khi đưa ra các tiêu chí trong HSMT để cố tình loại hàng sản xuất trong nước. Ảnh: Lê Tiên
Cần chế tài xử lý nghiêm các tư vấn, chủ đầu tư khi đưa ra các tiêu chí trong HSMT để cố tình loại hàng sản xuất trong nước. Ảnh: Lê Tiên

Đáng nói, các tư vấn này vẫn đang được nhiều chủ đầu tư “nương tay”, do đó, đường đi của hàng sản xuất trong nước vẫn còn quá gập ghềnh.

“Cố tình” loại hàng Việt

Kết luận thanh tra đột xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại các gói thầu cơ điện trong thời gian qua đã chỉ rõ, năng lực chuyên môn và ý thức chấp hành pháp luật của một số tư vấn đấu thầu trong việc lập hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC) cũng như đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), hồ sơ đề xuất (HSĐX) là rất hạn chế, yếu kém. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hàng Việt vẫn bị gạt ra rìa trong các gói thầu mua sắm hiện nay.

Cụ thể, kết luận kiểm tra của Bộ KH&ĐT đã “bêu” tên một loạt tư vấn đấu thầu “cố tình” loại hàng Việt khi tổ chức đấu thầu. Đó là Công ty TNHH Khảo sát thiết kế tư vấn Sài Gòn (tại Gói thầu Cung cấp và lắp đặt máy phát điện 650KVA+Tủ ATS+ Vật tư lắp đặt thuộc công trình Trụ sở văn phòng làm việc Báo Thanh niên); Công ty TNHH MTV QLDA Tín Nghĩa (tại Gói thầu Máy phát điện 1800KVA thuộc Dự án Nhà máy sản xuất chỉ sợi cao su của Công ty CP Chỉ sợi cao su V.R.G SADO); Trung tâm Tư vấn công nghiệp Đồng Nai (tại Gói thầu số 6: 02 Máy phát điện 2250KVA/1 máy thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai); Công ty CP Tư vấn xây dựng Mỹ Thuận (tại Gói thầu Máy phát điện 1250KVA thuộc Công trình Đầu tư xây lắp hệ thống điện chuyên dùng của Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long); Công ty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng văn hóa xã hội An Giang (tại Gói thầu Cung cấp và lắp đặt máy phát điện dự phòng 500KVA thuộc Dự án Trung tâm kỹ thuật phát thanh truyền hình An Giang). Các đơn vị tư vấn này có năng lực chuyên môn yếu, không nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về đấu thầu.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT còn chỉ ra, Công ty TNHH Khảo sát thiết kế tư vấn Sài Gòn; Công ty CP Thiết kế công nghiệp và dân dụng; Trung tâm Tư vấn công nghiệp Đồng Nai và Công ty CP Tư vấn xây dựng Mỹ Thuận đã không đảm bảo công bằng, minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu các gói thầu nêu trên. Bộ KH&ĐT đã đề nghị xử lý nghiêm những tư vấn để xảy ra nhiều vi phạm, trong đó có việc “cố tình” loại bỏ hàng Việt khi tổ chức đấu thầu.

Chỉ là kiểm điểm và rút kinh nghiệm

Mặc dù kết luận thanh tra của Bộ KH&ĐT đã nêu rất rõ và quyết liệt về vấn đề năng lực và nhận thức của đội ngũ tư vấn đấu thầu, nhưng hình thức xử lý của các chủ đầu tư vẫn còn quá nhẹ
Theo Cục Quản lý Đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, sau hơn 1 năm công bố kết luận thanh tra đột xuất này, chỉ có 2/9 đơn vị có tên trong kết luận thanh tra có báo cáo công tác thực hiện kết luận thanh tra. Cụ thể, Công ty CP Chỉ sợi cao su V.R.G SADO có văn bản báo cáo công tác thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra sai sót tại Gói thầu Cung cấp máy phát điện công nghiệp. Đơn vị này cho biết, tại thời điểm tổ chức lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư và tư vấn đều chưa biết được là đã có DN trong nước sản xuất được tổ máy phát điện đáp ứng được yêu cầu của dự án. Chủ đầu tư đã thực hiện việc kiểm điểm rút kinh nghiệm đến từng thành viên trong tổ thẩm định. Đồng thời, chủ đầu tư này cũng yêu cầu tư vấn đánh giá lại công tác tư vấn, bổ sung cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn để tư vấn cho các gói thầu khác.

Còn theo báo cáo của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai (gửi sau hơn 1 năm có kết luận thanh tra), chủ đầu tư này cũng tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm vì để xảy ra thiếu sót trong việc đấu thầu Gói thầu số 6 (thiết bị): 2 máy phát điện dự phòng thuộc Dự án Đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai. Các tư vấn lập HSMT, đánh giá HSDT; tư vấn thẩm định HSMT, thẩm định KQLCNT và tư vấn quản lý dự án đều làm bản tự kiểm điểm nhận thiếu sót, tồn tại trong gói thầu nêu trên. “Do không đủ năng lực và hạn chế về chuyên môn nên việc phê duyệt HSMT cũng như tiêu chuẩn đánh giá HSDT và phê duyệt KQLCNT của cả dự án nói chung và Gói thầu số 6 nói riêng đều căn cứ trên báo cáo đánh giá, thẩm định và đề nghị phê duyệt của các đơn vị tư vấn nêu trên”, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết.

Còn 7 đơn vị là: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đồng Nai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh An Giang, Báo Thanh niên, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Công ty CP Xây lắp điện 1 và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đến nay đều chưa có báo cáo gửi Bộ KH&ĐT.

Mặc dù kết luận thanh tra của Bộ KH&ĐT đã nêu rất rõ và quyết liệt về vấn đề năng lực và nhận thức của đội ngũ tư vấn đấu thầu, nhưng hình thức xử lý của các chủ đầu tư vẫn còn quá nhẹ. Thậm chí, rất nhiều chủ đầu tư chưa có biện pháp răn đe đủ mạnh nào đối với các tư vấn này. Điều này đã góp phần tạo nên hiện tượng “nhờn luật” của nhiều công ty tư vấn đấu thầu khác. Do đó, không khó hiểu khi đến nay, các tư vấn vẫn “ngang nhiên” lập những HSMT phân biệt đối xử với hàng Việt như: Công ty CP Quản lý xây dựng Thăng Long tại gói thầu 20 (cung cấp, lắp đặt thang máy) của Dự án Bệnh viện Sản Nhi Long An; Công ty CP Tư vấn xây dựng Thống Nhất tại Gói thầu 43b thuộc Dự án Bệnh viện Lao Kiên Giang…

Chuyên đề