Khi thầu chính, thầu phụ “cơm không lành, canh không ngọt”

(BĐT) - Thời gian gần đây xảy ra hai trường hợp bất đồng nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng thầu phụ tại các dự án trọng điểm quốc gia. Những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng sau đấu thầu làm lộ ra nhiều bất cập, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ của dự án.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Bất đồng chưa có hồi kết giữa Liên danh nhà thầu Kumho - Hyundai và Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh An Phú (Quận 2) đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Mấu chốt của những tranh cãi liên quan đến hợp đồng thầu phụ giữa Liên danh Kumho - Hyundai với Công ty CP Đầu tư Pacific (gọi tắt là Pacific). Hợp đồng thầu phụ số LTRS/SUB/009 ngày 11/10/2016 và các phụ lục đính kèm là giao kết để Pacific thi công Gói thầu CW2 thuộc Dự án Xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Pacific thi công đoạn từ Km34+936 - Km44+500, tương đương 10 km).

Nhà thầu chính Kumho - Hyundai cho biết: “Trong quá trình thực hiện hợp đồng thầu phụ, Pacific liên tục vi phạm tiến độ và các cam kết theo hợp đồng. Vấn đề này được thể hiện rõ trong các biên bản làm việc, biên bản xác nhận và các thư từ trao đổi giữa Kumho - Hyundai và Pacific”.

Tại buổi khảo sát thực địa Dự án Xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đầu năm 2020, Nhà thầu chính Kumho - Hyundai đã báo cáo với Bộ Giao thông vận tải về Gói thầu CW2 đang chậm tiến độ 8%, tương đương 2 tháng so với yêu cầu đề ra.

Lý giải về việc chậm tiến độ, đại diện Nhà thầu chính là Công ty Kumho cho biết, thời gian qua, do Nhà thầu phụ gặp vấn đề khó khăn về tài chính nên việc tổ chức thi công trên công trường không đáp ứng yêu cầu. Thời gian tới sẽ chấn chỉnh công tác này để bù lại tiến độ đã chậm. Nhà thầu chính đã cắt giảm khối lượng của Pacific từ 10 km xuống chỉ còn 1,3 km.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Nhà thầu chính làm việc với các nhà thầu phụ để đẩy nhanh tiến độ. Nếu nhà thầu nào không đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu thì cần có giải pháp cắt khối lượng, điều chuyển cho nhà thầu khác, thậm chí có thể đưa nhà thầu phụ khác vào thay để đảm bảo tiến độ đề ra.

Đến ngày 24/2/2020, Kumho - Hyundai đã có thông báo chính thức về việc chấm dứt hợp đồng với thầu phụ Pacific.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Nhà thầu chính Kumho - Hyundai cho biết: “Thầu phụ Pacific đã gửi văn bản chấm dứt hợp đồng, hai bên đang làm thủ tục thanh quyết toán. Tuy nhiên, có nhiều điểm chưa thống nhất được về giá trị, khối lượng. Theo đó, Pacific đưa ra những nội dung không có căn cứ pháp lý cho khối lượng tương ứng với giá trị 26 tỷ đồng. Đây cũng chính là rào cản lớn nhất khiến Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh An Phú chậm trễ thực hiện nghĩa vụ thanh toán bảo lãnh hoàn trả tạm ứng cho Kumho - Hyundai”.

Những ảnh hưởng đối với tiến độ công trình phát sinh từ thầu phụ thời gian qua khiến quản lý hợp đồng sau đấu thầu tại các dự án trọng điểm quốc gia trở thành vấn đề nhức nhối.

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cũng phát sinh những tranh chấp, bất đồng giữa thầu chính và thầu phụ. Ông Trần Quốc Tâm, đại diện của Công ty CP Cơ điện Liên Thành (nhà thầu phụ tại Dự án) cho biết, công nhân của Công ty đã lãn công để phản ứng các quyết định của nhà thầu chính Công ty GS E&C (gọi tắt là GS).

Cơ điện Liên Thành là nhà thầu phụ của GS, thực hiện một số hạng mục của Gói thầu CP2 Đoạn trên cao và depot thuộc Dự án tuyến metro số 1. Tuy nhiên, khoảng 6 tháng trở lại đây, GS không tiến hành nghiệm thu các hạng mục nhà thầu này đã làm. Bên cạnh đó, GS đã ngừng thanh toán và tùy ý thay đổi nhà thầu phụ.

Tại biên bản làm việc giữa hai bên mới đây, GS cho rằng, ngay từ khi bắt đầu hợp đồng, Cơ điện Liên Thành đã trì hoãn việc cung cấp vật liệu, nhân lực, tiến độ thiết kế do khó khăn tài chính. GS nhiều lần yêu cầu bắt kịp tiến độ nhưng Nhà thầu phụ không thực hiện được trách nhiệm của mình trong hợp đồng. GS đã yêu cầu làm rõ và bồi thường hợp đồng nhưng Cơ điện Liên Thành không trả lời. Từ tháng 12/2019, GS đã 3 lần cảnh báo về việc chấm dứt hợp đồng và yêu cầu cải thiện công việc nhưng Nhà thầu phụ vẫn im lặng.

Trước những khúc mắc này, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã buộc phải có động thái rà soát lại toàn bộ năng lực của nhà thầu thứ cấp.

Thời gian qua, xuất hiện những hình ảnh các nhà thầu phụ căng băng rôn, đòi nợ tại công trường như Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Hay 3 nhà thầu phụ gửi đơn kêu cứu vì bị chiếm dụng tài sản, công nhân bị hành hung tại công trường Dự án Bờ tả sông Sài Gòn… Điều này đặt ra mối quan ngại về chất lượng và hiệu quả, tiến độ của các dự án trọng điểm.

Rõ ràng, khâu quản lý hợp đồng sau đấu thầu cho thấy có những bất cập, lỗ hổng. Do đó, theo các chuyên gia, chủ đầu tư cần đặc biệt coi trọng khâu này để tăng cường chất lượng, tiến độ của các gói thầu xây lắp. Các nhà thầu chính khi ký hợp đồng với thầu phụ cần phải rà soát kỹ năng lực, kinh nghiệm của thầu phụ. Trách nhiệm chính vẫn thuộc về chủ đầu tư dự án khi những bất đồng thầu chính - thầu phụ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, chất lượng của dự án.  

Chuyên đề