Khi nhà thầu chân chính bị coi là “thầu tặc”

(BĐT) - Sức nóng của vụ cướp hồ sơ dự thầu (HSDT) trước cửa Ban QLDA Thủy lợi Bình Định dường như vẫn chưa hề nguôi ngoai vì hàng ngày, hàng giờ các nhà thầu bị cướp HSDT vẫn mong ngóng kết luận điều tra từ phía Công an Bình Định...
Hồ sơ dự thầu bị cướp trước cửa Ban QLDA Thủy lợi Bình Định (Ảnh do nhà thầu cung cấp)
Hồ sơ dự thầu bị cướp trước cửa Ban QLDA Thủy lợi Bình Định (Ảnh do nhà thầu cung cấp)

Thế nhưng, có độc giả - nhà thầu sau khi đọc loạt bài viết này trên Báo Đấu thầu đã có bình luận rằng, chính các nhà thầu bị cướp HSDT mới là “thầu tặc”, vì để có được dự án, nhà thầu “ruột” đã phải tốn công sức chạy dự án, chứ không dưng lại có quyển hồ sơ mời thầu (HSMT) để mà mua. Vậy, trong trường hợp này, đâu là tiêu chuẩn cho nhà thầu chân chính?

Luận điệu của những nhà thầu “ruột”

Cho đến bây giờ, dư luận vẫn chưa hết bức xúc đối với sự việc cướp HSDT của nhiều nhà thầu trước cổng Ban QLDA Bình Định với hành vi côn đồ đánh người, cướp hồ sơ. Không chỉ các nhà thầu bị cướp HSDT, mà những độc giả tâm huyết của Báo Đấu thầu cũng đang dõi theo sự việc với mong mỏi các cơ quan chức năng, đặc biệt là phía Công an tỉnh Bình Định sớm phanh phui, làm rõ chân tướng sự việc để trả lại công bằng cho các nhà thầu bị hại, lập lại trật tự cho công tác đấu thầu gói thầu xây dựng cầu Trường Cửu do Ban QLDA Thủy lợi Bình Định làm bên mời thầu.

Tuy nhiên, những dòng bình luận với nội dung như nêu trên của một số nhà thầu khiến đông đảo bạn đọc Báo Đấu thầu giật mình. Cụ thể hơn, có bình luận như sau: “Các bác phải hiểu rằng, muốn có dự án thì phải chạy, mà để chạy dự án thì tiền ở đâu ra, nhiều đấy! Tiền nhà thầu tạm ứng chi phần trăm trước chứ ở đâu ra. Khi dự án triển khai thì chắc chắn nhà thầu đã bỏ tiền chạy dự án phải trúng thầu, kiểu gì cũng phải trúng. Vậy là phải dàn xếp, nhiều nhà thầu quá, không dàn xếp được thì múc luôn, thuê mấy thằng xã hội đen thì mấy trò cướp HSDT là quá đơn giản. Tóm lại tham nhũng từ trên xuống dưới. Vấn đề là chỗ đó”.

Chia sẻ câu chuyện này với ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thì ông Tăng cho rằng, đây là những dòng tâm sự rất thật, là những lời “gan ruột” của những nhà thầu đã phải đứng ra “chạy dự án”, làm thay các công việc cho chủ đầu tư, đã đeo bám dự án này ngay từ khi còn “trứng nước”. Vì thế, họ coi dự án/gói thầu là thành quả của quá trình lao động vất vả của mình, nghiễm nhiên đó là của mình, còn những nhà thầu chân chính, tìm thông tin gói thầu trên Báo Đấu thầu để mua HSMT bị họ cho là “thầu tặc” vì họ lo sợ đây sẽ là những đối thủ đang rình rập để cướp đi công sức, mồ hôi của họ. Từ câu chuyện này, ông Lê Văn Tăng cũng cho rằng, sự việc hé lộ một sự thật là trên thực tế có những công trình mà nhà thầu phải đứng ra tìm vốn, chạy vốn, chạy dự án. Và việc đấu thầu rộng rãi đối với những gói thầu/dự án phải “chạy mới có” này chỉ là hình thức, hợp thức hóa các quy định của Nhà nước mà thôi.

Lệch chuẩn đấu thầu, lỗi tại ai?

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, không thể coi những bình luận của các nhà thầu trên là chính thống. Những bình luận này có tính “chợ trời”, “chợ búa” nên không thể lấy đấy làm chuẩn mực. Tất cả các nhà thầu phải thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về đấu thầu, những gói thầu đã được đưa ra đấu thầu rộng rãi thì không thể là “vùng cấm”, cũng không phải là “vùng trời riêng” của nhà thầu nào cả. Việc Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định quyết định hủy thầu gói thầu trên để đấu thầu lại là việc làm kịp thời và đúng đắn để bảo đảm quyền lợi, sự bình đẳng cho các nhà thầu trước pháp luật. Tất cả nhà thầu phải làm theo pháp luật. Bản thân nhà thầu bản địa khi tham dự gói thầu trên đã có lợi thế hơn các nhà thầu ở các tỉnh/thành phố khác vì họ có thể sử dụng nhân công, nguyên vật liệu tại chỗ, từ đó giá thành công trình rẻ hơn, họ có thể đưa ra giá dự thầu cạnh tranh hơn những nhà thầu đến từ địa phương khác.

Còn ông Lê Văn Tăng cho rằng, một khi nhà thầu chân chính bị coi là “thầu tặc” thì nguồn gốc sâu xa của quan điểm “lệch lạc” này là bắt đầu từ lỗi của chủ đầu tư/bên mời thầu. Bởi vì khi xây dựng và triển khai dự án, các chủ đầu tư/bên mời thầu đã không làm nghiêm túc, các chủ đầu tư đã không làm hết công việc của mình mà đẩy phần trách nhiệm, các thủ tục hành chính cho nhà thầu. Điều này lý giải vì sao đằng sau những cuộc thầu không minh bạch là có mối quan hệ, sự ràng buộc giữa bên mời thầu/chủ đầu tư với nhà thầu “ruột”. “Từ trước khi đấu thầu, chủ đầu tư đã để cho nhà thầu tham gia vào việc “chạy dự án” thì bản thân dự án đó đã không minh bạch, hiệu quả đầu tư đã không còn được đảm bảo. Nếu những nhà thầu “ruột” của chủ đầu tư/bên mời thầu cho rằng, dự án là thành quả của việc “chạy chọt” của họ thì cần phải lên án mạnh mẽ, vì đây là thành quả mờ ám, triệt tiêu mọi mục tiêu công khai, minh bạch của đấu thầu, và trong đó không thể nói chủ đầu tư/bên mời thầu là “vô can”, bởi vì chính chủ đầu tư đã “bật đèn xanh” cho nhà thầu “ruột”, nếu không có sự đồng ý của chủ đầu tư, chẳng có nhà thầu nào “dư sức, dư của” đứng ra chạy dự án làm gì cả” - ông Tăng phân tích.

Chuyên đề