Khi bên mời thầu sính hàng ngoại

(BĐT) - Câu chuyện yêu cầu xuất xứ hàng nhập ngoại khi tổ chức đấu thầu mua sắm hàng hóa tại nhiều gói thầu sử dụng ngân sách vẫn đang tiếp diễn. 
Khi bên mời thầu sính hàng ngoại

Báo Đấu thầu tiếp tục nhận thêm nhiều phản ánh của nhà thầu về những hồ sơ mời thầu (HSMT) mà trong đó bên mời thầu chỉ đích danh hàng hóa nhập khẩu, dù những mặt hàng này trong nước đã sản xuất được.

Muôn kiểu nhắm đến hàng ngoại

Gói thầu số 11: Cung cấp, lắp đặt 2 thang máy thuộc Dự án Trụ sở làm việc của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Phú Quốc phát hành HSMT từ ngày 22/6/2017 do Ban QLDA KV phía Nam làm bên mời thầu đã bị các nhà thầu phản ánh có nội dung phân biệt đối xử với hàng hóa trong nước đã sản xuất được.

Theo nội dung của HSMT, phần các thông số kỹ thuật cơ bản đã yêu cầu: loại thang chở người có phòng máy; nhãn hiệu châu Âu, G7; xuất xứ nhập khẩu chính hãng ở châu Âu, G7, Thái Lan. Năm sản xuất từ 2017, mới 100%. HSMT này được các nhà thầu cung cấp cho Báo Đấu thầu và khẳng định, việc cố tình đưa nhãn hiệu, xuất xứ như vậy là đang tạo ra rào cản từ vòng loại đối với mọi nhà thầu là doanh nghiệp sản xuất thang máy của Việt Nam.

Trước đó, một số gói thầu của Ngân hàng BIDV cũng đã bị các nhà thầu phản ánh có hành vi cố tình phân biệt đối xử với hàng hóa trong nước sản xuất được. Có thể kể thêm đến Gói thầu Lắp đặt thang máy chở người thuộc Dự án Trụ sở làm việc Ngân hàng  BIDV (Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cài cắm những tiêu chí tương tự.

Cùng lĩnh vực thang máy, ngày 13/6/2017 vừa qua, Công ty Điện lực Tây Ninh đã tổ chức mời thầu trên Hệ thống đấu thầu điện tử quốc gia Gói thầu Cung cấp và lắp đặt thiết bị thang máy thuộc Dự án Mở rộng Nhà điều hành Công ty Điện lực Tây Ninh. Gói thầu này yêu cầu cung cấp 2 chiếc thang máy tải khách, loại có phòng máy. Theo phản ánh của nhà thầu, yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu này có nội dung hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Về hãng sản xuất, xuất xứ, HSMT đưa ra những yêu cầu phù hợp với quy định, tuy nhiên về mã hiệu, HSMT lại yêu cầu “NEXIEZ Series – MR hoặc tương đương”. Theo các nhà thầu, về mã hiệu, HSMT đã chỉ đích danh một model của nhãn thang máy Mitsubishi (Nhật Bản), do đó, để các nhà thầu chào tương đương mẫu model này là rất khó.

Bên mời thầu cần cầu thị, sửa sai

Ngay sau khi nhận được thông tin từ nhà thầu, Báo Đấu thầu đã gửi phản ánh này đến Công ty Điện lực Tây Ninh. Bên mời thầu này đã rất cầu thị khi cho biết, đơn vị sẽ điều chỉnh nội dung của HSMT về mã hiệu. Theo chia sẻ của Bên mời thầu, việc đưa một model cụ thể của một hãng thang máy chỉ là sơ suất về kỹ thuật lập HSMT, không cố tình đưa vào để loại bỏ các nhà thầu là doanh nghiệp sản xuất trong nước. Theo đó, nội dung này sẽ được điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho các nhà thầu dự thầu.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện một nhà thầu cho biết, việc Công ty Điện lực Tây Ninh tiến hành đấu thầu qua mạng là rất đáng hoan nghênh vì đã mở ra kênh rộng rãi hơn cho mọi nhà thầu cùng tham gia. Bên cạnh đó, nhà thầu này cũng ghi nhận sự điều chỉnh kịp thời của Bên mời thầu về nội dung mã hiệu. “Chúng tôi đánh giá cao cách tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, coi trọng quyền lợi của nhà thầu từ bên mời thầu này”, đại diện nhà thầu cho biết.

Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, thời gian qua, đã có nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu coi trọng nội dung ưu tiên hàng hóa trong nước đã sản xuất được theo quy định tại Luật Đấu thầu cũng như các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, sau khi Báo Đấu thầu phản ánh về HSMT Gói thầu số 1: Trang thiết bị (thang máy, thang cuốn, máy phát điện) của Trung tâm Thương mại dịch vụ Kiến Tường có nhiều nội dung cố tình loại hàng Việt, Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng thị xã Kiến Tường (Long An) đã phải hủy thầu để đấu lại gói thầu này. Ban QLDA này cho biết, việc hủy thầu là do một số điều khoản nêu trong HSMT chưa phù hợp nên cần xem xét, điều chỉnh để HSMT chặt chẽ hơn. Đây có thể xem là sự thẳng thắn nhìn nhận sai sót, dám sửa sai những nội dung trong HSMT trước đó của Bên mời thầu. 

Chuyên đề