Khi bên mời thầu cố ý “ỉm” kết quả đấu thầu

(BĐT) - Từ thực tế phản ánh của nhà thầu và theo dõi diễn biến các vụ việc “nóng” trong đấu thầu cho thấy, không ít bên mời thầu bằng cách này hay cách khác đang cố tình “ỉm” việc công khai kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định.
Qua gần 7 tháng từ khi mở thầu, 2 gói thầu bị tố thi công trước đấu thầu tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) chưa được công khai kết quả
Qua gần 7 tháng từ khi mở thầu, 2 gói thầu bị tố thi công trước đấu thầu tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) chưa được công khai kết quả

Đằng sau việc cố tình không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu

Theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành, kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển (danh sách ngắn), kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phải được công khai trên Báo Đấu thầu và Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi có quyết định phê duyệt kết quả. Bên mời thầu cũng phải gửi văn bản thông báo kết quả này tới các nhà thầu tham gia (kể cả nhà thầu được lựa chọn và nhà thầu không được lựa chọn). Thế nhưng, trên thực tế, rất nhiều bên mời thầu đã “lờ” đi việc chấp pháp quy định này hoặc thực hiện một cách không đầy đủ như: chỉ thông báo cho nhà thầu trúng thầu mà không thông báo cho các nhà thầu tham gia khác; không công khai trước công luận (trên Báo Đấu thầu và Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia) về kết quả lựa chọn nhà thầu…

Có những bên mời thầu rất chuyên nghiệp (thường xuyên làm bên mời thầu) nhưng việc công khai kết quả lựa chọn nhà thầu lại rất “xa lạ”, hoặc không công khai hoặc công khai rất hạn chế. Khi phóng viên Báo Đấu thầu hỏi về nguyên nhân vì sao không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu từ hàng chục đến hàng trăm gói thầu thì các bên mời thầu đều có chung một câu trả lời là “quên”, do nhiều nhân viên, nhiều bộ phận tham gia vào việc đăng tải kết quả nên không quản lý hết được…

Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy, nhiều trường hợp cho thấy bên mời thầu cố tình “ỉm” đi việc công khai kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định. Điển hình là Gói thầu Tư vấn 05 và Gói thầu Tư vấn 06 của Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư: Sau khi nộp hồ sơ bày tỏ quan tâm, nhà thầu đã liên tục bám sát Chủ đầu tư để hỏi các thông tin về gói thầu nhưng lại luôn nhận được câu trả lời là chưa có kết quả. Ngay cả khi đã có kết quả rồi, chủ đầu tư này cũng không thông báo tới nhà thầu cho đến khi hoàn thành việc trao thầu, ký hợp đồng với một nhà thầu khác. Sau ngày ký hợp đồng gần 2 tháng, Chủ đầu tư mới công khai kết quả trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. 

Thái độ coi thường pháp luật

Thực tiễn đấu thầu thời gian qua cũng cho thấy, không chỉ có một số bên mời thầu cố tình không thông báo kết quả cho các nhà thầu tham gia mà ngay cả việc công khai thông tin trên Báo Đấu thầu và Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cũng bị một số bên mời thầu “lờ tịt”, cố tình “ngoảnh mặt làm ngơ”. Điển hình cho câu chuyện này là 2 gói thầu có quy mô hơn 2.000 tỷ đồng (Gói thầu số 12 và Gói thầu số 13) thuộc Dự án Cải tạo, chỉnh trang đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Sau phản ánh về việc không phát hành hồ sơ mời thầu, nghi vấn thi công trước đấu thầu…, Báo Đấu thầu đã gửi văn bản đề nghị làm rõ đến các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh, song từ lúc đóng/mở thầu đến nay đã gần 7 tháng trôi qua, bên mời thầu này vẫn “chây ì”, không chịu công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, bất chấp sức ép từ phía dư luận.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, các chuyên gia về đấu thầu đều cho rằng, “đó là những gói thầu nằm ngoài vòng pháp luật” và bên mời thầu thể hiện thái độ coi thường pháp luật. Việc chậm công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư dù vô tình hay cố ý đều đặt nhà thầu và dư luận vào tình thế “việc đã rồi”, là cướp đi “quyền chính đáng” của nhà thầu nếu họ có thắc mắc, là cướp đi “quyền phản biện” của dư luận khi kết quả lựa chọn là chưa thực sự chính xác. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Việt Hùng – nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), một điều còn nguy hiểm hơn là việc bên mời thầu coi thường, bất chấp các quy định của pháp luật để “hành xử sai”, “biết sai mà vẫn cố tình làm”. Với những bên mời thầu này, liều thuốc đặc trị là phải có cơ quan đứng ra kiểm tra, giám sát và xử lý thật nghiêm để thể hiện sự thượng tôn pháp luật, tạo tính răn đe và ngăn ngừa các hành vi khuất tất trong đấu thầu cho những bên mời thầu khác.

Chuyên đề