Học tập “điển hình” Sơn La, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cài cắm quy định hạn chế nhà thầu

(BĐT) - Ngày mai, nếu không có gì thay đổi, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa sẽ mở Gói số 2 Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở thuộc Chương trình 135 năm 2019. Hồ sơ mời thầu gói thầu này đã vấp phải kiến nghị về yêu cầu hợp đồng tương tự mang tính khu biệt, và cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu cho rằng yêu cầu này không phù hợp quy định.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nhà thầu lo ngại điều kiện mang tính khu biệt

Gói thầu nêu trên do Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa là chủ đầu tư/bên mời thầu, có giá gói thầu là 4,442 tỷ đồng, lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng, phát hành hồ sơ mời thầu (E-HSMT) từ 13 giờ 03 ngày 31/8/2019 đến 10 giờ 00 ngày 11/9/2019.

Nghiên cứu E-HSMT của Gói thầu, một nhà thầu đã kiến nghị đến Chủ đầu tư cho rằng, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu tại phần yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm là không phù hợp. Cụ thể, yêu cầu hợp đồng tương tự tại E-HSMT là: số lượng hợp đồng đào tạo, tập huấn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững là 3, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu là 3,109 tỷ đồng, hoặc số lượng hợp đồng đào tạo, tập huấn thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ít hơn hoặc nhiều hơn 3, trong đó có ít nhất 1 hợp đồng có giá trị tối thiểu là 3,109 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các hợp đồng  9,329 tỷ đồng.

Nhà thầu cho biết, theo E-HSMT, nội dung Gói thầu chủ yếu gồm các hạng mục: bố trí giảng viên, quản lý tổ chức lớp học, bố trí ăn nghỉ cho học viên, giảng viên, chuẩn bị hội trường, tài liệu, văn phòng phẩm, nước uống, phát các khoản hỗ trợ cho học viên (ăn, ở, đi lại và phụ cấp)… Theo dự toán Gói thầu được phê duyệt, phần chi cho giảng viên và biên soạn tài liệu chỉ chiếm khoảng 5,3% tổng dự toán. Như vậy, các hạng mục chính của Gói thầu là hạng mục công việc của dịch vụ tổ chức đào tạo cho bất kỳ chương trình đào tạo nào chứ không riêng chương trình đào tạo cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Theo Nhà thầu, với yêu cầu hợp đồng tương tự như tại E-HSMT, dù nhà thầu có các hợp đồng tương tự về tính chất, phù hợp các hạng mục công việc dịch vụ đào tạo nêu trên nhưng không thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững thì sẽ không đáp ứng yêu cầu của E-HSMT.

Ở gói thầu này, sau khi nhận được công văn đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật về đấu thầu, Cục Quản lý đấu thầu hướng dẫn: Khi lập, phê duyệt E-HSMT, chủ đầu tư, bên mời thầu phải căn cứ vào quy mô, tính chất, lĩnh vực của từng gói thầu cụ thể để đưa ra các yêu cầu phù hợp, mà không được đưa ra yêu cầu nhà thầu đã từng thực hiện gói thầu của một dự án, đề án hoặc chương trình cụ thể. “Việc E-HSMT quy định hợp đồng tương tự là hợp đồng cung cấp dịch vụ thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là không phù hợp, có thể dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu, vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP”, Công văn hướng dẫn của Cục Quản lý đấu thầu nêu rõ.

Tỉnh khác vẫn đấu thầu được, chúng tôi tham khảo theo

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lương Văn Tưởng, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa khẳng định, ông có biết hướng dẫn của Cục Quản lý đấu thầu. Tuy nhiên, Ban vẫn khẳng định E-HSMT phù hợp với quy mô, tính chất, điều kiện cụ thể của Gói thầu, nên Bên mời thầu vẫn giữ nguyên yêu cầu về hợp đồng tương tự nêu ở tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm trong E-HSMT đã phát hành.

Theo ông Tưởng, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tham khảo các gói thầu tương tự ở địa phương khác và họ cũng quy định hợp đồng tương tự cụ thể trong một chương trình như vậy. Ông Tưởng dẫn ra ví dụ, Gói thầu số 02 Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 năm 2018 do Ban Dân tộc tỉnh Sơn La là chủ đầu tư, hợp đồng tương tự cũng giới hạn trong phạm vi Chương trình 135. Theo ông Tưởng, Sơn La yêu cầu như vậy nhưng họ vẫn tổ chức đấu thầu được, nhiều địa phương khác cũng thế. Lý do này được ông Tưởng nhắc lại nhiều lần để giải thích cho việc quy định hợp đồng tương tự như tại E-HSMT Gói số 2 mà đơn vị ông đang mời thầu.

Tại Gói thầu ở Sơn La mà ông Tưởng nhắc đến như một trường hợp tham khảo điển hình, sau khi đấu thầu rộng rãi, nhà thầu được lựa chọn là Công ty CP Pro Phương Nam, với giá trúng thầu là 6,643 tỷ đồng, giảm 27 triệu đồng, tương đương tỷ lệ giảm giá chưa đến 0,5% so với giá gói thầu.

Pro Phương Nam là nhà thầu không xa lạ với Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Năm 2018, Pro Phương Nam đã được cơ quan này lựa chọn thực hiện Gói số 2 Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở thuộc Chương trình 135 năm 2018, với giá trúng thầu là 5,844 tỷ đồng, giảm khoảng 4 triệu đồng, tương đương tỷ lệ giảm giá chưa đến 0,07% so với giá gói thầu.

Một chuyên gia hàng đầu về đấu thầu nhận định, việc quy định hợp đồng tương tự mang tính khu biệt trong một lĩnh vực hẹp, một chương trình, đề án là hạn chế nhà thầu tham gia. Nếu cần thiết thì chỉ nên quy định điều kiện về giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy các chương trình đào tạo tương tự ở phần yêu cầu về kỹ thuật, đánh giá theo tiêu chí chấm điểm. Như vậy, vừa mở rộng cạnh tranh vừa đảm bảo lựa chọn nhà thầu phù hợp với tính chất gói thầu.

Chuyên đề